Tín dụng chính sách “trợ lực” cho người dân Tuyên Quang

Nhờ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội, hàng nghìn hộ khó khăn, các đối tượng yếu thế ở tỉnh Tuyên Quang đã vươn lên ổn định cuộc sống. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nguồn tín dụng chính sách không chỉ là sự hỗ trợ về tài chính giúp bà con vươn lên thoát nghèo, mà còn tạo nền móng giúp họ thực hiện ước mơ làm giàu...

TuyenQuangtindungchinhsach1.jpg
Trâu cái đã cho nghé của gia đình bà Ninh Thị Va, thôn Đồng Min, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Ảnh: Thu Huyền

Những năm trước, gia đình bà Ninh Thị Va, dân tộc Sán Chay, thôn Đồng Min, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương chủ yếu trông vào mấy sào ruộng, nhà đông người, nên cuộc sống rất khó khăn. Bà Ninh Thị Va cho biết, năm 2021 , thông qua tổ tiết kiệm vay vốn ủy thác Đoàn thanh niên, gia đình bà được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để mua một trâu cái về nuôi sinh sản. Hiện tại, con trâu đã cho nghé. Đây là tài sản là tiền đề để gia đình bà tạo dựng một cuộc sống khấm khá hơn.

Là một trong những hộ đầu tiên được hỗ trợ vay làm nhà ở theo Nghị định 28 (Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025) trên địa bàn xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương, ông Nông Văn Nhất, dân tộc Nùng, thôn Phục Hưng, phấn khởi chia sẻ, nhiều năm nay, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ làm ruộng vườn, cuộc sống rất khó khăn. Căn nhà cũ dựng tạm bằng gỗ đã dột nát nhưng không có điều kiện để làm lại. Thông qua Ban quản lý Tổ tiết kiệm vay vốn, ông Nhất biết được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở với thời hạn kéo dài, lãi suất thấp, tháng 12/2022 ông Nhất mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ vốn tín dụng chính sách, cùng với vay mượn người thân, xây dựng ngôi nhà mới. Có ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, gia đình ông Nhất, không còn lo cảnh chạy mưa, chạy nắng, thêm động lực, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

TuyenQuangtindungchinhsach2.jpg
Cán bộ NHCSXH thăm vườn chanh gia đình anh Mã Văn Dũng, dân tôc Tày, thôn Minh Hà, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Ảnh: Thu Huyền

Theo ông Lưu Văn Lương, Chủ tịch xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang cho biết, xã Lương Thiện là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Sơn Dương. Xã có 840 hộ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%. Thời gian qua, nguồn tín dụng của Ngân hàng CSXH được coi là điểm tựa cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, giúp các hộ có thêm điều kiện để ổn định cuộc sống phát triển kinh tế, góp phần vào giảm tỷ lệ hộ nghèo và phát triển chung của địa phương.

Năm 2021, nhận thấy cây cam không còn mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình anh Mã Văn Dũng, dân tôc Tày, thôn Minh Hà, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn tín dụng chính sách để chuyển đổi nghề. Có vốn, anh Dũng cải tạo lại vườn đồi, trồng mới gần 600 gốc chanh tứ mùa. Anh Mã Văn Dũng cho biết, trước kia gia đình đã trồng thử nghiệm khoảng 200 gốc chanh,thấy cho hiệu quả năng suất anh mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách để mở rộng diện tích. Quan tâm, chú trọng chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn chanh cho năng suất cao. Mỗi năm cho thu hoạch 4 đợt quả. Năm nay chanh được giá, giá bán tại vườn từ 25- 30nghìn đồng/kg, gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng. Anh Dũng phấn khởi cho biết thêm, phát triển kinh tế ngay tại quê hương, vợ chồng anh không phải lo đi xa để làm ăn nữa, giờ đây, có điều kiện để chăm sóc con cái, nhà cửa, cuộc sống đang dần ổn định.

Ông Triệu Ngọc Phúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Khương, huyện Hàm Yên cho biết, với ưu điểm lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nguồn tín dụng chính sách cũng đang giúp đỡ gần 600 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn ổn định về chỗ ở, chuyển đổi nghề, có thêm vốn để làm ăn, phát triển kinh tế.Đến nay, 100% hộ gia đình không còn ở trong nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn xã giảm 12,93%.

Theo ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang, trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tiếp tục bám sát sự lãnh chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của tỉnh, trên cơ sở rà soát nhu cầu vay vốn có phương án đảm bảo nguồn vốn vay cho người dân, tiếp tục cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo làm nhà ở, chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt các nguồn vốn theo các Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025; phối hợp với các đơn vị, tổ hội, các huyện, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân về các chương trình hỗ trợ vay vốn để người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi…; chú trọng đào tạo, tập huấn, kiểm tra, đánh giá kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ ngân hàng, nhất là cán bộ tín dụng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao...

Thu Huyền

Có thể bạn quan tâm