Gia đình anh Kim Sa Mít đầu tư nuôi bò từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN |
Tổng dư nợ đến ngày 31/5 là trên 2.829 tỷ đồng với hơn 167.000 khách hàng còn dư nợ; trong đó, dư nợ cho vay đối với người dân tộc thiểu số là trên 215,66 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,62% tổng dư nợ toàn chi nhánh, với 17.568 hộ dân tộc thiểu số còn dư nợ.An Giang là một trong những tỉnh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc Khmer còn cao so với mặt bằng chung trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội An Giang đang triển khai các chương trình cho vay như Chương trình tín dụng hộ nghèo; Chương trình tín dụng hộ cận nghèo; Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo; Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội An Giang được đầu tư chủ yếu vào các đối tượng sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập... Từ đó, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn cho hàng triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tự tin hơn và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường. Để triển khai việc cho vay vốn được tốt, Ngân hàng đã tập trung xây dựng mạng lưới Điểm giao dịch xã và tổ chức hoạt động của Tổ giao dịch xã để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 31/5, Ngân hàng Chính sách Xã hội An Giang đã tổ chức được 156 Điểm giao dịch xã/156 xã phường thị trấn, tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay, nhất là hộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. Đồng thời, thực hiện dân chủ, công khai việc cho vay vốn tín dụng cơ sở. Tại An Giang hiện có trên 85% hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội An Giang với khách hàng được thực hiện tại điểm giao dịch xã. Điều này tạo nên hình ảnh tốt đẹp, đặc thù riêng có cho ngân hàng. Qua hơn 10 năm thực hiện các chương trình cho vay tín dụng từ ngồn vốn của Ngân hàng chính sách, đến nay tổng dư nợ trên địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên là trên 24, 255 tỷ đồng với 1.378 người được vay vốn; trong đó, nhiều hộ sau khi được vay vốn đã vươn lên thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo, huyện Tịnh Biên cho biết, xã An Hảo là một xã khó khăn có đông đồng bào dân tộc Khmer của huyện biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang; toàn xã có trên 13.000 nhân khẩu; trong đó, bà con dân tộc Khmer chiếm trên 52%, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp các hộ dân ở đây phát triển kinh tế, 10 chương trình tín dụng đã được triển khai cho vay; trong đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh An Giang đặc biệt chú trọng đến cho vay hộ nghèo phát triển chăn nuôi, sản xuất buôn bán nhỏ; giúp bà con tận dụng tối đa thế mạnh về phát triển nông nghiệp và du lịch của địa phương để phát triển kinh tế, tường bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Gia đình ông Chau Sinh, dân tộc Khmer, ở ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên là một trong những hộ gia đình được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Từ lúc có 1 con bò đến nay, trong chuồng bò của gia đình anh lúc nào cũng có 3 con bò sinh sản; mỗi năm gia đình xuất chuồng 2 con bò con, lãi hơn 60 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, gia đình ông đã cất được nhà mới khang trang, mua được cả xe máy và nhiều vật dụng khác trong gia đình. Ông Chau Sinh cho biết, nhờ nuôi bò mà con cái được học hành đàng hoàng; từ chỗ là hộ nghèo đến nay kinh tế phát triển, số nợ ngân hàng gia đình cũng đã trả xong và giờ còn có tiền gửi tiết kiệm ở Ngân hàng chính sách Xã hội. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình chị Neang Tha Ray, ấp Mằng Rò, xã Vân Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang chọn nghề buôn bán các sản phẩm từ cây Thốt nốt-một loại đặc sản đặc trưng của vùng bảy núi tỉnh An Giang để phát triển kinh tế. Từ chỗ là hộ nghèo đến nay gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Ghé thăm quán bán nước Thốt nốt lạnh của chị Neang Tha Rây nằm cặp đường tỉnh lộ 948 nối từ thị trấn Nhà Bàng đi huyện Tri Tôn vào khoảng trưa, trời nắng nóng nên rất đông khách du lịch đi vãn cảnh chùa ở Núi Cấm-nơi được mệnh danh là Đà lạt của Miền tây dùng chân nghĩ mệt tại quán. Chị Neang Tha Rây cho biết, trước đây thu nhập gia đình chị chủ yếu từ quán nước này. Mấy năm nay, gia đình chị được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội 30 triệu đồng để mở thêm cửa hàng cho chồng chị sửa chữa xe máy, mua thêm đường Thốt nốt, tủ bảo quản lạnh để bán nên thu nhập cũng ổn định hơn. Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội An Giang, ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương, Mặt Trận Tổ quốc các cấp làm tốt việc bình xét hộ nghèo để cho vay vốn, tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo; đồng thời phối hợp với các cơ quan như khuyến nông, khuyến ngư, trung tâm giáo dục nghề nghiệp để hướng dẫn tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Vương Thoại Trung