Với lợi thế đường bờ biển dài, người nuôi nghêu có thể phát triển con nghêu và xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới. Tính đến cuối năm 2022, nghêu Việt Nam đã có mặt ở 56 thị trường quốc tế; trong đó, có 6 thị trường lớn là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và Trung Quốc.
Với tiềm năng thị trường này, ngành nghêu đặt ra cho mình một hướng đi để vượt qua những thách thức của thị trường và ổn định lâu dài.
Nguồn thu lớn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nghề nuôi nghêu trong nước dù đã phát triển từ lâu nhưng vẫn chủ yếu tập trung khai thác các bãi bán nhật triều vì tiện theo dõi và thu hoạch.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nghêu ước đạt gần 30 triệu USD; trong đó, châu Âu là thị trường chiếm tỷ trọng chi phối. Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nằm trong Top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất châu Âu, chiếm lần lượt 29%, 23% và 15,5% nhập khẩu nghêu.
Đứng thứ 4 là thị trường Mỹ chiếm 13% và tiếp theo là Hà Lan chiếm 7%. Riêng thị trường Mỹ có mức tăng đột phá trong tháng 2, tăng 245%, Hà Lan tăng 86%.
Cùng với loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như nghêu, các loài thủy sản có vỏ khác như ốc, hàu và sò điệp có xu hướng tăng mạnh trong tháng 3 và cả 3 tháng đầu năm 2023. Theo đó, xuất khẩu ốc tăng 80%, hàu tăng 60% trong 3 tháng đầu năm, đạt lần lượt 3,9 triệu USD và 3,4 triệu USD. Các sản phẩm thủy sản có vỏ sơ chế dạng hấp chín (mã HS 16) vẫn chiếm tỷ trọng lớn 65% giá trị xuất khẩu, 35% còn lại sản phẩm tươi/sống/đông lạnh/khô. Tuy nhiên, chiếm thế mạnh vẫn là nghêu, được nhiều người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.
Ngoài yếu tố dinh dưỡng, hiện công nghệ nuôi nghêu cũng ngày càng hiện đại, ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) cho biết, nghêu Việt Nam, đặc biệt là dòng nghêu trắng có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới vì chúng ta đã phát triển nuôi được ở hầu hết các tỉnh ven biển và ngày càng nâng cao công nghệ sản xuất.
Nghêu trắng Việt Nam có thể chế biến được đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới. Nuôi nghêu nước sâu là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng diện tích và tăng sản lượng.
Theo thống kê của Tổng cục thủy sản, Việt Nam hiện có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyển thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm; trong đó, riêng sản lượng nghêu (ngao) đạt 179.000 tấn/năm. Chuỗi giá trị ngành hàng nuôi nhuyễn thể đang tạo công văn việc làm cho khoảng 200.000 lao động. Nhu cầu thị trường quốc tế về các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ rất cao. Thế nhưng, sản lượng thu hoạch nghêu ở Việt Nam chưa đáp ứng đủ các đơn đặt hàng từ châu Âu.
Hướng đến phát triển nghêu nước sâu
Với những thế mạnh của con nghêu Việt Nam hiện nay, ngành hàng nuôi, chế biến và xuất khẩu nghêu cần có một hướng đi chú trọng chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) chia sẻ, để phát triển ngành nghêu, cần xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC (nuôi thủy sản có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động). Đây là xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.
Bên cạnh đó, phát triển nuôi nghêu nước sâu sẽ góp phần tạo nên con nghêu chất lượng như thị trường mong muốn. Với công nghệ cơ giới hiện đại hiện nay, thuận tiện cho việc thu hoạch và theo dõi nuôi nghêu nước sâu sẻ mở ra một diện nuôi lớn cho nghề nghêu Việt Nam.
Nghêu Việt Nam, đặc biệt là dòng nghêu trắng có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới vì chúng ta đã phát triển nuôi được ở hầu hết các tỉnh ven biển và ngày càng nâng cao công nghệ sản xuất. Nghêu trắng Việt Nam có thể chế biến được đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới. Nuôi nghêu nước sâu là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng diện tích và tăng sản lượng.
Là một đơn vị được cấp chứng chỉ ASC, ông Huỳnh Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Thành, huyện Châu Thành, Trà Vinh chia sẻ, sau khi đạt được chứng nhận ASC, chứng nhận này đã mở ra nhiều cơ hội rất lớn cho hợp tác xã Long Thành. Quy trình sản xuất và chăm sóc con nghêu theo chứng nhận được đảm bảo hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Qua đó, giúp các hộ trong hợp tác xã có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, thu hút được nhiều doanh nghiệp mua hàng, từ đó giúp hợp tác xã chủ động được đầu ra trong sản xuất, tăng giá trị sản phẩm con nghêu không chỉ trong nước mà mang tầm quốc tế.
Theo ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, để phát triển ngành hàng nghêu trắng ở Trà Vinh theo hướng lâu dài, tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất nghêu giống nhân tạo và ương giống cho hợp tác xã. Đồng thời, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo xác định vùng nuôi an toàn.
Song song đó, tỉnh cũng cải tiến hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường và hệ thống cung cấp thông tin thị trường cho các chủ thể. Các ban ngành thủy sản đã hỗ trợ tích cực thông tin thị trường, bao gồm giá cả, sản lượng và nhu cầu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tăng cường liên kết để hợp tác xã, nông dân có nguồn cung cấp giống và tiêu thụ ổn định, hợp lý.
Nói về phát triển con nghêu nước sâu, ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) nhấn mạnh, chuyển từ khai thác đơn lẻ sang sản xuất theo hợp tác xã giúp người sản xuất nhỏ có điều kiện áp dụng các sáng kiến kỹ thuật đòi hỏi nguồn lực đầu tư nhiều hơn nhưng đem lại giá trị sản lượng cao hơn như kỹ thuật bảo tồn nghêu giống, nuôi và khai thác nghêu nước sâu, làm sạch cát và phân loại theo nhiều kích cỡ trước khi đóng gói…
Các hợp tác xã cũng có lợi thế hơn khi họ thiết kế thương hiệu nghêu của mình, đóng gói bao bì, bảo quản lạnh và chủ động tiếp cận thị trường so với trước kia các hộ chỉ bán nghêu khai thác cho thương lái.
Trinh Hoàng Nhan