Ổn định dân cư, thúc đẩy dân sinh, mở mang dân trí, phát triển kinh tế, xã hội tại Mường Nhé, Điện Biên- địa bàn trọng điểm, chiến lược thuộc khu vực biên giới phía Tây của Tổ quốc là trăn trở của Đảng, Nhà nước. Nhưng dù nhiều chương trình, dự án đã được phê duyệt, triển khai và bước đầu đem lại những đổi thay, Mường Nhé vẫn nghèo đội sổ cả nước. Bám riết cuộc sống của người dân trên những rặng núi quanh năm mây mù giăng kín không chỉ có sự lạc hậu, thiếu thốn mà còn là những phức tạp từ âm mưu chống phá, kích động, lôi kéo, chia rẽ của những thế lực thù địch… Vậy làm thế nào để giúp người dân Mường Nhé hiện thực nguyện vọng ấm no, sung túc, góp phần củng cố, giữ vững an ninh - quốc phòng cho vùng đất ngã ba biên giới? TTXVN giới thiệu bài cuối trong loạt 4 bài "Tìm động lực phát triển cho cực tây Tổ quốc" .
Bài 4: Ước mơ kinh tế rừng thức giấc
Dựa vào thế mạnh của đại ngàn, tập quán của người dân để phát triển các mô hình sinh kế hưởng lợi từ rừng. Đó đang là hướng đi mới ở Mường Nhé, Điện Biên vừa có thể cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, ổn định dân sinh, lại khắc phục được hạn chế đất nông nghiệp ít và giữ được màu xanh ngút ngàn để đảm bảo an toàn sinh thái nội vùng, điều tiết nước cùng phòng hộ đầu nguồn cho các nhà máy thủy điện. Xa hơn là kỳ vọng đánh thức kinh tế rừng nơi mảnh đất biên viễn này!
Sín Thầu- vùng đất xa xôi nhất về phía tây của Tổ quốc. Nơi địa đầu đất nước không chỉ được nhắc đến với cột mốc ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, nằm trên đỉnh núi Khoan La San thuộc bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, mà 7 năm nay, còn gắn liền với những mô hình sinh kế hiệu quả từ rừng.
Ngược 7 năm về trước khi Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé triển khai dự án phát triển sinh kế dưới tán rừng tại 5 xã vùng đệm, Sín Tầu được hỗ trợ giống cây sa nhân tím, trồng trên diện tích 1 ha dưới tán rừng. Lúc mới triển khai, người dân Sín Thầu do chưa hiểu rõ giá trị kinh tế của giống cây sa nhân nên nhiều hộ ngần ngại, từ chối tham gia. Nhưng khi thấy hiệu quả từ mô hình điểm của gia đình ông Pờ Dần Sinh, bản Tả Kố Khừ, người Sín Thầu đã tìm mua giống cây sa nhân về trồng dưới tán rừng.
“Trái ngọt” từ mô hình nhanh chóng đến với bà con Sín Thầu rồi Nậm Pồ, Mường Chà, Ðiện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa… khi cây sa nhân tím dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao khoảng 400 - 500 nghìn đồng/kg quả khô. Cây trồng khoảng 3 năm bắt đầu cho thu hoạch, sau đó rễ cây lan tới đâu thì diện tích sa nhân được mở rộng tới đó. Nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian khoảng 12 năm. Đặc biệt ngoài hiệu quả kinh tế, sa nhân trồng dưới tán rừng ao độ ẩm cao hạn chế cháy rừng trong mùa khô cũng như tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.
Hiệu quả từ mô hình sinh kế “cây sa nhân tím dưới tán rừng” rồi nối tiếp là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng khi Mường Nhé thực hiện theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã tác động mạnh đến nhận thức của người dân. Để trồng được cây sa nhân đòi hỏi bà con phải giữ được rừng. Giữ rừng lại bảo vệ được đầu nguồn nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ đời sống của người dân và bà con lại được hưởng lợi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Thế nên, thay vì khai hoang rừng để phát rẫy làm nương như trước đây, hiện nay bà con đã tâm niệm bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn sống, tạo sinh kế bền vững để ổn định đời sống. Điều đó thể hiện qua tỷ lệ che phủ rừng toàn xã Sín Thầu hiện nay hơn 70%; tổng diện tích rừng được nghiệm thu chi trả dịch vụ môi trường rừng là hơn 5.165 ha. Toàn xã đang có 6 nhóm nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Ðặc biệt, rừng đã tạo thêm sinh kế, tư liệu sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Sín Thầu vào cuối năm 2019 xuống còn 37,89%.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé Nguyễn Văn Toàn cho biết: Diện tích đất tự nhiên và đất lâm nghiệp của huyện hơn 157 ngàn ha, trong đó diện tích đất rừng chiếm tới 90,3%. Huyện hiện có 76 cộng đồng có rừng được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhiều cộng đồng nhận khoán quản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng đã góp phần làm giảm thiểu số vụ xâm phạm rừng, phá hoại rừng và cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Mường Nhé cũng đã tác động nhiều mặt đối với môi trường rừng và cuộc sống của người dân, cả về kinh tế, xã hội và môi trường, là nguồn lực để phát triển rừng bền vững, trong đó về kinh tế, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, có nguồn thu nhập ổn định từ rừng- ông Nguyễn Văn Toàn cho biết.
Đề cập tín hiệu khả quan về mô hình phát triển kinh tế rừng đang được xem là kỳ vọng xóa đói giảm nghèo trên những vạt đồi, vùng đất bạc màu ở địa phương, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Vùi Văn Nguyện cho biết: Mường Nhé giao thông cách trở, địa hình đồi núi, độ dốc lớn nên đất nương trồng lúa hoặc trồng cây sắn, ngô thường bị rửa trôi chất đất, dẫn tới bạc màu khiến cây trồng cho năng suất thấp. Vì vậy mà nhiều thập kỷ qua, huyện vẫn trăn trở, luẩn quẩn với bài toán sinh kế lâu dài cho người dân để tạo những động lực thúc đẩy, bứt phá trong phát triển kinh tế địa phương.
Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện Mường Nhé xác định nhiệm vụ tiên quyết là triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành. Trọng tâm là Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án “Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, tập trung đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, giải quyết việc làm, ổn định dân cư... Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.
Trên cơ sở, tiềm năng sẵn có huyện tích cực thử nghiệm, ứng dụng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng từng khu vực. Đồng thời, chú trọng hình thành, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, có kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ nông - lâm nghiệp vào đầu tư để thúc đẩy phát triển cây công nghiệp: Mắc ca, cao su, cây dược liệu dưới tán rừng... tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng.
“Quản lý, bảo vệ rừng và phát triển các mô hình sinh kế từ rừng sẽ ngăn chặn, đẩy lùi việc phá rừng, hạn chế tối đa tình trạng di dân tự do đến địa bàn, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân, góp phần bảo đảm an ninh – quốc phòng ở địa bàn. Trong Nghị quyết của Đảng bộ huyện Mường Nhé nhiệm kỳ 2020 - 2025 lấy phát triển kinh tế rừng làm mũi nhọn”- ông Vùi Văn Nguyện cho hay.
Hạnh Quỳnh