Thời điểm hiện nay, các khu vườn sầu riêng tại Tiền Giang đang bắt đầu thu hoạch vụ nghịch năm 2022 với niềm vui trúng mùa, được giá.
Theo ông Ngô Văn Sơn, canh tác 1,2 ha sầu riêng tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, thương lái đang thu mua sầu riêng giá từ 70.000 đ đến 80.000 đ/kg, tùy thời điểm và địa bàn, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trong tháng 11 âm lịch, ông thu hoạch vụ nghịch, sản lượng khoảng 24 tấn quả. Với giá này, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi ròng trên 1 tỷ đồng.
Ông Sơn dự đoán, nhờ trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên giá sầu riêng khả năng còn giữ ở mức cao như hiện nay trong thời gian tới, nông dân hưởng lợi.
Trong vụ nghịch 2022, Tiền Giang có khoảng 8.000 ha cho thu hoạch với sản lượng từ 160.000 đến 180.000 tấn quả. Vụ sầu riêng nghịch bắt đầu từ tháng 11 âm lịch và kéo dài cho đến sau Tết Nguyên đán, cho nông dân lợi nhuận cao gấp 2 lần vụ thuận nhờ bán được giá, tránh được tình trạng trúng mùa, dội chợ do thường cung vượt cầu trong vụ thuận.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là một trong những nguyên nhân giúp giá sầu riêng tăng mạnh trong vụ nghịch 2022, nông dân hết sức phấn khởi.
Đồng thời, ông Mẫn cho rằng, việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội để nông dân nâng cao giá trị sản xuất sầu riêng; bởi chi phí trung gian giảm, lợi nhuận sẽ tăng. Ngành nông nghiệp đang khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói, xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sang Trung Quốc.
Hiện nay, toàn vùng có gần 100 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, 10 cơ sở đóng gói được cấp mã số đóng gói sầu riêng xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đang tiếp nhận thêm 63 hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng sầu riêng, 27 hồ sơ đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất sang Trung Quốc. Tương lai, đảm bảo các điều kiện thỏa mãn để được xuất khẩu chính ngạch nói chung, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nói riêng sẽ giúp ngành hàng sầu riêng chủ lực của tỉnh Tiền Giang phát triển một cách vững chắc.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh nguồn lực đất đai, lao động cũng như cụ thể hóa chủ trương “chung sống với lũ”, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, đến nay, Tiền Giang đã xây dựng thành công vùng chuyên canh sầu riêng gần 17.000 ha tại các huyện ngập lũ đầu nguồn Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, trồng phổ biến các giống chất lượng cao gồm : RI6, Mong Thong …, đang được thị trường trong nước và xuất khẩu rất ưa chuộng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân vùng khó khăn dựng nên cơ nghiệp vững bền và nông nghiệp, nông thôn đổi mới, giàu có và thịnh vượng hẳn lên.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, sầu riêng là cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương, là nguồn nông sản hàng hóa xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Để phát huy tiềm năng kinh tế vườn trên vùng ngập lũ, đặc biệt là thế mạnh cây sầu riêng chuyên canh, Tiền Giang đã có nhiều giải pháp tích cực như kiện toàn mạng lưới ô bao khép kín kết hợp phát triển giao thông nhằm ngăn lũ lụt, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, tạo thuận lợi để nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh và tiêu thụ nông sản hàng hóa dễ dàng, thuận lợi, bán được giá cao.
Bên cạnh đó, thông qua tuyên truyền, khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nhằm cập nhật các giải pháp thâm canh tiên tiến và nâng cao trình độ canh tác cho bà con, định hướng nông dân chọn giống tốt, quy hoạch vườn cây đúng kỹ thuật…. Nhờ vậy, giúp tăng năng suất bình quân lên 20 - 25 tấn/ ha/ năm thời điểm hiện nay và sản lượng sầu riêng toàn vùng hàng năm đạt gần 300.000 tấn quả.
Ngoài ra, với việc áp dụng phổ biến kỹ thuật xử lý cho trái thu hoạch vào vụ nghịch cũng giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế vườn chuyên canh.
Minh Trí