Ngày 1/11, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện ngành đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng giữa UBND huyện Khánh Sơn với Công ty Vạn Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh). Qua đó tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn huyện miền núi Khánh Sơn có chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Từ đó góp phần tạo nên kênh tiêu thụ ổn định cho sản phẩm sầu riêng của địa phương này.
Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa và được mệnh danh là "thủ phủ" các loại cây ăn quả, được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, với lợi thế về điều kiện đất đai, khi hậu thời tiết thuận lợi cho phát triển các loại như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, măng cụt, chuối...; trong đó sầu riêng là đặc sản chủ lực.
Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, trên địa bàn huyện đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Hòa phê duyệt cấp 3 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, đó là: Tổ hợp tác trái cây Ba Cụm Bắc, Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình và hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc) với tổng diện tích trên 90 ha. Đây là tiền đề quan trọng góp phần bảo vệ thương hiệu sầu riêng của huyện trong quá trình lưu thông tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng lợi dụng nhãn hiệu, trà trộn sản phẩm của các địa phương khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.
Đến nay, diện tích cây ăn trái của huyện này là 3.300 ha với tổng sản lượng thu hoạch các loại cây ăn quả bình quân hàng năm đạt trên 18.000 tấn; trong đó sầu riêng có hơn 2.100 ha, sản lượng sầu riêng đạt hơn 12.000 tấn. Qua đó, cho thấy sầu riêng là sản phẩm chủ lực của Khánh Sơn, đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Năm 2019, Sầu riêng Khánh Sơn được bình chọn là Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam.
Lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm, góp phần bảo vệ nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản khi tham gia thị trường xuất khẩu. Khi được cấp mã số vùng trồng, các sản phẩm sẽ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, độ an toàn và giúp các đơn vị tiêu thụ dễ dàng kết nối hơn.
UBND huyện Khánh Sơn đang tiếp tục vận động, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với các chủ thể hợp tác xã, tổ hợp tác chưa được cấp mã số vùng trồng, tiếp tục đăng ký. Bên cạnh đó, địa phương này phổ biến các quy định về quản lý, giám sát vùng trồng đã được cấp mã, giúp cho các chủ thể triển khai quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn vùng trồng tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc.
Nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các chủ thể sản xuất, UBND huyện Khánh Sơn đã kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở quan tâm hỗ trợ xúc tiến cấp mã số vùng trồng và tập huấn, hướng dẫn quy trình quản lý giám sát vùng trồng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện tăng cường tuyên truyền về mục tiêu ý nghĩa và phát triển, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác tổ liên kết sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký cấp mã số vùng trồng và quản lý giám sát vùng trồng; giải quyết đầu ra, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện.
Hiện Công ty Vạn Hòa là một trong 25 cơ sở đóng gói của Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận và cho phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Đặng Tuấn