Tiền Giang: Huy động nguồn lực xử lý, khắc phục các điểm sạt lở

Đoạn sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Đoạn sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Để bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân, các huyện vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) gồm: Cai Lậy, Cái Bè đang phải huy động các nguồn lực, xử lý 79 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 3.300 m với kinh phí trên 67,6 tỷ đồng.

Tiền Giang: Huy động nguồn lực xử lý, khắc phục các điểm sạt lở ảnh 1Một nhà dân bị bỏ hoang bị sụp xuống sông. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Trong đó, trước mắt, huyện Cái Bè đầu tư 5,89 tỷ đồng xử lý 7 điểm sạt lở có tổng chiều dài 150 m; huyện Cai Lậy xử lý, khắc phục các điểm còn lại trên địa bàn. Ngoài ra, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, các huyện vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) gồm: Cái Bè, Cai Lậy cũng đang triển khai nhiều dự án xử lý, khắc phục các điểm sạt lở lớn, phức tạp, giảm nhẹ thiên tai. Cụ thể là các dự án: Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) có chiều dài kè 912 m với tổng kinh phí trên 118 tỷ đồng; Dự án Kè chống sạt lở bờ kênh 28, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có chiều dài 706 m và tổng kinh phí trên 57 tỷ đồng.

Địa phương đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ triển khai Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Cái Bè, huyện Cái Bè, quy mô đầu tư 300 tỷ đồng nhằm bảo vệ 560 ha đất sản xuất cũng như an toàn tính mạng và tài sản nhân dân địa phương.

Tiền Giang: Huy động nguồn lực xử lý, khắc phục các điểm sạt lở ảnh 2Đoạn sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Thực tế cho thấy, nằm phía đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang), các địa phương trên có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nguy cơ sạt lở rất cao. Theo đánh giá của ngành chức năng, do nhiều nguyên nhân (như: biến đổi dòng chảy, phương tiện thủy lưu thông tạo sóng to, nền đất yếu…) khiến tình trạng sạt lở bờ sông rạch tại Cái Bè và Cai Lậy thời gian gần đây ngày càng phức tạp, khó lường, thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống cũng như an toàn tính mạng người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Những tuyến sông rạch huyết mạch trong vùng (như: sông Ba Rày, Phú An, Bà Tồn… huyện Cai Lậy; sông Trà Lọt, kênh 28, sông Cái Cối, sông Cái Bè… huyện Cái Bè) là những tuyến sông thường xuyên xảy ra sạt lở với mức độ ngày càng nghiêm trọng, khó lường.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè Lê Văn Ý, nhằm bảo vệ sản xuất, tài sản, tính mạng của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành hữu quan kiểm tra thực tế, hướng dẫn các địa phương gia cố tạm thời các điểm sạt lở mới, bảo vệ cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông cũng như khẩn trương lập kế hoạch, phương án, đề xuất nguồn kinh phí đầu tư xử lý khẩn cấp.

Huyện Cai Lậy là một trong những địa bàn có diễn biến sạt lở bờ sông, rạch rất phức tạp. Địa phương đã giao các xã, thị trấn quản lý địa bàn, thống kê cập nhật tình hình sạt lở; trên cơ sở đó có giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Tùy theo quy mô từng điểm sạt lở lớn hoặc nhỏ, các xã, thị trấn huy động nguồn lực đầu tư phù hợp.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, chủ động huy động các nguồn lực địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý, khắc phục sạt lở bờ sông, rạch; ưu tiên di dời nhà ở, công trình kiến thiết hạ tầng… ra khỏi vùng sạt lở, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản Nhà nước và nhân dân. Theo đó, đối với các điểm sạt lở nghiêm trọng vượt quá khả năng của cấp huyện, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến xử lý. Những điểm sạt lở nhỏ giao địa phương chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng xử lý, khắc phục.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm