Trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch cùng thời điểm, đặc biệt xuất hiện nhiều biến chủng virus mới, với khả năng lây nhanh, rộng hơn, mạnh hơn, thì tiêm chủng vaccine - cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào bảo vệ - được coi là chiến lược để đẩy lùi dịch bệnh.
Đẩy nhanh chiến lược vaccine
Việt Nam đang trong làn sóng dịch thứ tư, cũng là làn sóng gây ảnh hưởng nặng nề nhất khi có tới hơn 7.420 người mắc COVID-19, gấp hơn hai lần của ba đợt trước cộng lại. Đợt dịch lần thứ tư này ghi nhận biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh cho nên dịch đã lan nhanh, trên phạm vi rộng.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, các biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai rất đồng bộ; có sự kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy dự phòng là cơ bản, tấn công là vấn đề quyết định... Đến thời điểm này dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Dù vậy, từ thực tế của các nước cho thấy, để có thể ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch COVID-19 thì giải pháp vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất. Hầu hết các quốc gia đã và đang phấn đấu thực hiện mục tiêu bao phủ vaccine cho ít nhất hai phần ba số dân đến hết năm 2021.
Việt Nam cũng đã lựa chọn giải pháp bao phủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Trong thời gian qua, lực lượng chức năng nói chung và ngành y tế nói riêng đã và đang dốc sức tìm mọi phương cách để đưa được vaccine về nước sớm nhất, phấn đấu có đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để có thể tiêm cho khoảng 75% số dân, làm tiền đề đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép sử dụng hơn 12 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi của ngân sách trung ương để mua vaccine phòng COVID-19.
Việt Nam cũng đang khẩn trương đẩy nhanh triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine phòng COVID-19 Nano Covax, phấn đấu có kết quả sớm để có thể sản xuất vaccine trong nước, phòng bệnh cho cộng đồng. Đây là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu, phát triển đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Và để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho cuộc chiến chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19. Quỹ ưu tiên các hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Với mục đích cao đẹp đó, ngay từ ngày đầu công bố thành lập, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo quần chúng nhân dân. Theo Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 tính đến 17 giờ ngày 13/6, quỹ đã tiếp nhận 4.851 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi); tổng số tổ chức, cá nhân đã đóng góp là 291.818.
Hiện nay, ngoài tiếp nhận đóng góp bằng tiền qua tổng đài 1408, Ban Quản lý Quỹ vaccine đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank.
Vaccine là gì và công dụng của vaccine
- Vaccine là gì?
Vaccine là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.
Vaccine chứa các phiên bản suy yếu của virus hay phiên bản gần giống như virus (được gọi là kháng nguyên). Điều này chứng tỏ các kháng nguyên không thể tạo ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh, nhưng chúng kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể. Những kháng thể này sẽ bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với các virus trong tương lai.
- Công dụng của vaccine
Vaccine giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể. Khi chủng ngừa, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện vaccine là vật lạ sẽ tiêu diệt và ghi nhớ chúng, từ đó tạo được trí nhớ miễn dịch. Về sau khi tác nhân bệnh thật xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tấn công tác nhân gây bệnh nhanh chóng và hiệu quả để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh đó.
Nhờ có vaccine, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Trước khi sử dụng vaccine, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm, tuy nhiên sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu bệnh đã được thanh toán vào năm 1979.
Nhờ vaccine, 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, số ca mắc bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002; số trường hợp tử vong do sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm, số mắc ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp...
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19, các nước cần đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng chống COVID-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng COVID-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng khuyến cáo cho đến khi các nước đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng cao thông qua tiêm chủng, những biện pháp phòng chống bệnh dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay; tăng cường các biện pháp ứng phó với ổ dịch, bao gồm xét nghiệm, truy vết và cách ly… vẫn cần được duy trì. Đại dịch COVID-19 chỉ có thể được kiểm soát tốt ở khắp nơi trên thế giới nhờ sự hợp tác toàn cầu trong việc kiên quyết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kể trên song hành cùng nỗ lực tiêm chủng tới mọi người dân.
Phương Phương