Tiêm phòng vắc xin là biện pháp tốt nhất phòng chống một số bệnh dịch nguy hiểm quay trở lại

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp tốt nhất phòng chống một số bệnh dịch nguy hiểm quay trở lại
Bạch hầu chỉ xuất hiện ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp

Sau 10 năm “im hơi lặng tiếng”, mới đây, bệnh bạch hầu đã quay trở lại Kon Tum và khiến 2 trường hợp tử vong. Đặc biệt, chỉ trong hai tuần đầu tháng 10, Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận 5 trường hợp trong đó có 2 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu người đó không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
        
Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Khi được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại giường, tránh hoạt động mạnh vì bệnh bạch hầu ảnh hưởng đến cơ tim và hệ cơ ở chân tay. Người bệnh cần được cách ly nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của bệnh; rửa tay với xà phòng diệt khuẩn để tránh vi khuẩn phát tán. Ngay cả khi đã điều trị khỏi bệnh, người dân vẫn cần phải đi tiêm phòng lại để ngăn ngừa bệnh tái phát. Bạch hầu có thể quay trở lại nếu không tiêm chủng để phòng bệnh. Sau khi tiêm vắc xin, đa số người được tiêm sẽ có miễn dịch. Tuy nhiên, thực tế vẫn có có một tỷ lệ người do khả năng miễn dịch thấp nên chưa đạt được ngưỡng miễn dịch bảo vệ.

Một số dịch bệnh gia tăng khi chuyển mùa 

Về bệnh tay chân miệng, ttrong 9 tháng của năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh thành, trong đó có 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và tăng nhanh trong các tuần gần đây như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội… Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân cho biết, năm nay dịch này có nguy cơ quay trở lại như năm 2011. Qua điều tra dịch tễ, nhiều người mắc bệnh tay chân miệng là do vi rút EV71, chiếm hơn 20% tổng ca mắc. Vi rút này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong.

Về bệnh sởi, dù đã có vắc xin phòng ngừa nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng còn khá thấp. Cục Y tế dự phòng cho biết: Đến ngày 9/10 tại Việt Nam, bệnh sởi xuất hiện rải rác tại 40 tỉnh, thành phố. Đa số bệnh nhân mắc sởi đều không tiêm vắc xin phòng sởi hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng (86,4%). Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi rải rác tại các địa phương do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, đặc biệt tại khu vực di biến động dân cư lớn, vùng xâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống.

Bệnh ho gà trước đây lưu hành ở tất cả các địa phương. Từ năm 1986, nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng hầu hết trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin DTP phòng bệnh, số người mắc bệnh và tử vong giảm rõ rệt. Từ năm 1993, tỷ lệ tiêm vắc xin DTP luôn duy trì ở mức trên 90% (riêng năm 1997, 2000 đạt trên 95%) và chất lượng tiêm chủng tốt hơn nên tỷ lệ mắc bệnh giai đoạn 1996 - 2000 chỉ còn 1,8/100.000 dân. Bệnh cơ bản đã được khống chế và chỉ rải rác số ít trường hợp mắc bệnh do không tiêm vacxin ở vùng sâu, xa. Tuy nhiên, vài năm gần đây thấy một số tỉnh đồng bằng, trong đó cả Thủ đô Hà Nội có người mắc bệnh.  Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thống kê trong năm 2015 cho thấy có 56,5% trẻ mắc ho gà ở độ tuổi dưới 3 tháng tuổi. Đây là nhóm trẻ có nguy cơ biến chứng nặng rất cao. Từ đầu năm 2018 đến nay tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận 39 ca ho gà nhập viện. Trong 3 tháng gần đây, số mắc ho gà vào bệnh viện Nhi Trung ương có xu hướng tăng, trong đó có nhiều trẻ rất nhỏ.

Tiêm vắc xin giúp phòng dịch

Theo các chuyên gia y tế, một số loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm phòng. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu thường được phối hợp với vắc xin phòng ho gà, uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ sẽ được tiêm vào các thời điểm 2, 4, 6 và 16-18 tháng tuổi.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu ở trẻ em, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng ắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong vùng ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Không chỉ bệnh bạch hầu, ho gà, các bệnh khác như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng… có khả năng bùng phát thành dịch trong mùa đông xuân này. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống để hạn chế số mắc, tử vong, không để bùng phát thành dịch lớn. Theo đó, ngành y tế đẩy mạnh, tăng tỷ lệ tiêm chủng trên cả nước, tổ chức tốt việc tiêm vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, triển khai kế hoạch tiêm bổ xung vắc xin sởi cho 418 huyện tại 57 tỉnh, thành phố...

Bộ Y tế cũng đã phát động chiến dịch "Rửa tay với xà phòng, phòng chống tay chân miệng" và chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy); tăng cường tuyên tuyền tiêm phòng vắc xin sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngành y tế đã tiến hành hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2018; tăng cường giám sát, tiêm chủng tuyên truyền tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ.
Mỹ Bình

Có thể bạn quan tâm