Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thương mại truyền thống gặp khó khăn do hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội thì thương mại điện tử đem tới cơ hội mới để các chủ thể sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) Hà Nội có thể tiếp cận được khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm...
Sau hơn 3 năm triển khai, Hà Nội có 1.054 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và cấp sao; có trên 10.000 sản phẩm được gắn mã QR code; trong đó chiếm số lượng lớn là nhóm ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống; hàng thủ công mỹ nghệ... Với sự nỗ lực của các chủ thể OCOP và sự hỗ trợ kịp thời của thành phố, nhiều sản phẩm OCOP Hà Nội đã được trưng bày, giới thiệu, bán tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra thì thương mại truyền thống không còn phát huy tác dụng.
Chị Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens chia sẻ: “Công ty có sản phẩm trà xạ đen đạt chất lượng OCOP 4 sao. Trước đây, công ty quảng bá và bán sản phẩm theo lối thương mại truyền thống. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, việc tiếp cận trực tiếp khách hàng gặp khó khăn nên công ty chuyển dần sang hình thức bán hàng online và livestream để trực tiếp chia sẻ giá trị sản phẩm, thích ứng tốt hơn với thời đại công nghệ 4.0”.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các chuỗi sản xuất có nguy cơ bị đứt gãy, thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng. Mới đây, lần đầu tiên Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tổ chức kết nối giao thương qua hình thức trực tuyến và kết quả ban đầu rất thành công. Chỉ 3 tiếng (từ 9h đến 12h ngày 6/6) diễn ra livestream, phát trực tiếp trên 2 kênh fanpage: OCOP Live và VTC Now, 10 chủ thể có sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP của Hà Nội đã bán được gần 2.000 sản phẩm là các sản phẩm rau sạch, sữa tươi, sữa chua, tinh dầu, gạo,...”.
Livestream trên nền tảng mạng xã hội là giải pháp hữu hiệu đối với các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Việc sử dụng nền tảng mạng xã hội cũng như các ứng dụng, sàn giao dịch điện tử tới đây sẽ trở thành xu hướng, chìa khóa tối ưu kích cầu hoạt động tiêu thụ sản phẩm, mở rộng kết nối giao thương. Tại các buổi livestream, người mua và người bán có thể dễ dàng trao đổi, chia sẻ trực tiếp những thắc mắc xung quanh sản phẩm, được hỗ trợ giải đáp ngay và không giới hạn số người tham dự, dù ở bất cứ đâu. Đây là phương thức tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hiệu quả, tạo được sự tin tưởng đối với người tiêu dùng, khẳng định chất lượng sản phẩm OCOP.
Để chắp cánh cho sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP Hà Nội trong thời gian tới cần chú trọng vào đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng. Mặt khác, các chủ thể OCOP Hà Nội cần có sự trang bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất công nghệ thông tin, nhân lực,...; tăng cường kết nối với cơ quan quản lý, sàn giao dịch điện tử, các địa chỉ bán hàng trực tuyến, các chủ thể OCOP với nhau, từ đó mang lại sự thuận lợi, tiện ích và hiệu quả cho cả chủ thể OCOP và người tiêu dùng.
Bài và ảnh: Châu Giang