Thừa Thiên - Huế mở rộng diện tích trồng thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP

Thừa Thiên - Huế mở rộng diện tích trồng thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch, mở rộng diện tích trồng cây đặc sản thanh trà lên 1.400 ha ở những vùng đất bãi phù sa ven sông thuộc các địa phương ở thành phố Huế, thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền. Đến nay, các địa phương trong vùng đã trồng được hơn 1.120 ha thanh trà với giá trị kinh tế cao, giúp nhiều gia đình làm vườn có thêm thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo.
Nông dân phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, chăm sóc cây thanh trà. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
 Nông dân phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, chăm sóc cây thanh trà. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Trên cơ sở quy hoạch, những vùng đất đai đủ điều kiện, các địa phương có thể trồng thêm cây thanh trà để mở rộng diện tích, mạnh dạn cải tạo vườn cây tạp, loại bỏ những cây trồng khác không hiệu quả, chất lượng kém, cây bị sâu bệnh nặng để trồng lại theo quy hoạch, qua đó để có thể đầu tư thâm canh.

Tỉnh khuyến khích các địa phương liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây thanh trà để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ.

Thời gian qua, phường Thủy Biều (thành phố Huế) đã phát triển diện tích trồng thanh trà lên gần 150 ha, sản lượng thu hoạch đạt 900 tấn; doanh thu đạt 27 tỷ đồng/năm; bình quân mỗi ha cho thu nhập 200 triệu đồng. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lựa chọn vùng thanh trà Thủy Biều để hỗ trợ mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình thu hút 43 hộ dân tham gia với diện tích 8,7 ha.

Với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người tham gia phải ghi chép nhật ký sử dụng phân bón; từ ngày tháng sử dụng, loại, liều lượng phân bón, phương pháp bón phân đều phải ghi chép rõ ràng, nhờ đó quản lý được thời gian cách ly, đảm bảo an toàn khi thu hoạch thanh trà. Việc này đã giúp thay đổi tập quán canh tác tùy tiện trước đây của nông dân.

Các hộ dân thực hiện mô hình ghi nhận, khi thực hiện mô hình trồng thanh trà VietGAP, môi trường sản xuất an toàn hơn, sản phẩm không để lại dư lượng thuốc trừ sâu, bảo đảm chất lượng. Đây là cơ sở để tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung ứng ra thị trường đạt chất lượng.

Thanh trà Thủy Biều hiện đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường nhờ thực hiện mô hình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và quảng bá của chính quyền cũng như người dân thông qua hoạt động lễ hội trái cây thanh trà hàng năm. Mỗi năm, Thủy Biều tổ chức từ 20 - 25 gian hàng bán trái cây thanh trà thu hút rất nhiều người dân cũng như các siêu thị đến đây để mua. Tổng sản lượng thanh trà bán ra ở mỗi kỳ lễ hội khoảng 450 - 500 tấn, chiếm khoảng 1/2 sản lượng của nhà vườn.

Nếu bán ở chợ, thanh trà chỉ có giá từ 15.000-20.000 đồng/quả; khi thực hiện mô hình trồng thanh trà VietGAP, thanh trà có giá bán tới 45.000-50.000 đồng/quả. Vì thế ở Thủy Biều hiện nay, có nhiều nhà vườn chuyên canh thanh trà cho thu nhập vài chục triệu đồng cho đến hơn 100 triệu đồng/vườn/năm, cá biệt có chủ vườn thu nhập hơn 200 triệu/năm.

Theo ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi hoàn thành hỗ trợ thí điểm mô hình trồng thanh trà VietGAP tại Thủy Biều, đơn vị sẽ phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu sản phẩm, nhân rộng mô hình, hướng đến xây dựng vùng thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng, an toàn. Các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây thanh trà cần liên kết với nhau để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất vùng, sản xuất hàng hóa, thị trường tiêu thụ để công tác hỗ trợ đạt hiệu quả cao.

Sản phẩm thanh trà được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Sản phẩm thanh trà được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp xây dựng mô hình hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến, phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của người dân địa phương trong tỉnh để mở rộng diện tích trổng thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị thu nhập.

Tỉnh khuyến khích các địa phương liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây thanh trà để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ.

Khi mở rộng diện tích, trồng mới, người sản xuất cần quan tâm đến chất lượng giống, hạn chế nhân giống bằng phương pháp chiết cành, nên sử dụng những cây giống ghép được nhân từ các cây thanh trà đã được bình tuyển là cây đầu dòng (Hội đồng bình tuyển của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên - Huế đã bình tuyển 8 loài bưởi thanh trà đầu dòng trên địa bàn tỉnh).

Ngoài ra, các địa phương trong vùng cần đầu tư hệ thống tưới tiêu để cung cấp nước đầy đủ cho cây thanh trà và thoát nước kịp thời trong mùa mưa lũ. Tỉnh tiếp tục đầu tư và đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và hỗ trợ các cá nhân, các địa phương canh tác theo hướng sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP để trong thời gian tới thanh trà xứ Huế vươn lên chiếm lĩnh thị trường.

Thanh trà Huế đã được công nhận top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam).
 
Quốc Việt
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm