Làng nghề truyền thống bánh tráng, bánh ướt Lựu Bảo thuộc phường Hương Hồ, thọ xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề thủ công truyền thống từ năm 2014. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Đây là những nhóm sản phẩm có khả năng tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển như dịch vụ và du lịch; góp phần giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam. Đối tượng thực hiện là sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là sản phẩm vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương, lấy chủ thể kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể làm nòng cốt thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc: hành động địa phương hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay việc xây dựng kế hoạch, thu thập thông tin nhằm đánh giá đầy đủ về hiện trạng các sản phẩm, trình độ công nghệ, vốn, lao động liên quan đến sản phẩm của từng địa phương; đồng thời lập danh sách các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương và các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất sản phẩm để xây dựng đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2018 - 2020. Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có các mô hình hướng tới việc phát triển và xây dựng mỗi làng một nghề giai đoạn 2018-2020. Trong số này, phải kể đến các mặt hàng mè xửng, nón lá, mây tren đan, dầu tràm... Điển hình, hợp tác xã mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) tận dụng tốt nguồn lao động nông nhàn sau mỗi vụ thu hoạch lúa, phát triển thêm các mặt hàng mây tre mỹ nghệ như đèn, quạt, rổ, rá... để bán cho các cơ sở du lịch; giải quyết việc làm thêm cho 50 lao động trong địa phương, bình quân mỗi lao động thu nhập ở hợp tác xã từ 1-1,3 triệu đồng/tháng. Sản phẩm mây tre đan của Bao La không chỉ tiêu thụ ở Huế mà các sản phẩm mỹ nghệ của hợp tác xã còn mở rộng đến với các tỉnh thành phố trong nước như Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội... Hiện, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hai sản phẩm mè xửng và tôm chua Huế đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong tốp 50 đặc sản quà tặng Việt Nam. Riêng đối với mặt hàng truyền thống mè xửng Huế, hiệu quả từ các chương trình khuyến công ở địa phương này đã góp phần kích thích các doanh nghiệp, cơ sở phát huy năng lực, mạnh dạn bỏ thêm vốn đầu tư để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh phát triển sản xuất, chủ một số cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng ở Huế đều cho rằng việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản Thừa Thiên - Huế là rất cần thiết, không chỉ trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức mà còn giúp cho các cơ sở sản xuất đảm bảo giữ được chất lượng sản phẩm cũng như duy trì, phát triển các sản phẩm truyền thống của tỉnh ra thị trường. Đặc biệt, việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản còn tránh tình trạng bắt chước, lạm dụng thương hiệu, danh tiếng của sản phẩm đặc sản của tỉnh để sản xuất kinh doanh trái pháp luật và nguy cơ mất thương hiệu sản phẩm truyền thống nếu như không có những động thái trong việc xúc tiến, đăng ký và xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm này. Chiến lược tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp chủ động trong việc đăng ký, xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cũng như bảo hộ tối đa quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đã có thương hiệu trên địa bàn tỉnh. Đối với sản dầu tràm, riêng huyện Phú Lộc có tới 80 cơ sở sản xuất dầu tràm, mỗi tháng cung ứng ra thị trường gần 2.000 lít nên việc đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất cho các làng nghề sản xuất dầu tràm là hết sức qua trọng. Cơ sở Trường Hải, xã Lộc Thủy (Phú Lộc) mỗi tháng phải sử dụng tới 60 tấn tràm nguyên liệu để sản xuất và cung ứng ra thị trường 200 lít dầu nguyên chất. Như vậy, ngoài việc vận động các cơ sở đầu tư vốn mở rộng diện tích tràm, đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, xã Lộc Thủy đã liên kết với các đơn vị vệ tinh tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà và Hương Thủy thu mua, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ dầu tràm ngày càng mở rộng, trong khi nguồn nguyên liệu tự nhiên đang dần cạn kiệt, nên giải pháp duy nhất để đảm bảo đủ nguyên liệu là mở rộng diện tích trồng tràm. Theo lãnh đạo UBND xã Lộc Thủy, đến này toàn xã có trên 10 ha tràm nguyên liệu phục vụ làng nghề; trong đó, huyện Phú Lộc đầu tư trồng hỗ trợ bước đầu vùng nguyên liệu tập trung tại hai thôn An Bàng và Phước Hưng với diện tích 3 ha, còn lại do người dân tự trồng… Hiện, huyện Phú Lộc cũng đang lập đề án trình Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ phát triển 20 ha vùng nguyên liệu; trong đó, địa phương sẽ chọn từ 1-2 hộ có năng lực hỗ trợ chuyển giao công nghệ lò chưng cất dầu theo quy trình sản xuất mới, có công suất và năng suất lớn để sản xuất dầu tràm cung ứng cho nhu cầu thị trường. Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong chiến lược phát triển, từ nay trở đi, tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho ngành nông nghiệp phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay việc xây dựng kế hoạch, thu thập thông tin nhằm đánh giá đầy đủ về hiện trạng các sản phẩm, trình độ công nghệ, vốn, lao động liên quan đến sản phẩm của từng địa phương; đồng thời lập danh sách các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương và các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất sản phẩm để đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2018 - 2020...
Quốc Việt