Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung khai thác thế mạnh nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN |
Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế biển và đầm phá; đề ra phương hướng phát triển đến năm 2020 là: Tiếp tục phát triển kinh tế biển và đầm phá, trọng tâm là phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đầu tư tạo sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng du lịch - thủy sản - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp sinh thái. Từ nay đến năm 2020, tỉnh phấn đấu xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái trọng điểm.
Tỉnh sắp xếp, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất hàng hóa, khai thác hợp lý lợi thế của vùng; xây dựng, mở rộng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề ven biển và đầm phá theo quy hoạch; hình thành các điểm công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu, thuyền, chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung gắn với bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sinh thái hiệu quả, bền vững, phù hợp với đặc thù của vùng đầm phá. Ngành thủy sản tập trung phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa để tăng cường sản xuất các sản phẩm mới có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường đi đôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững và ổn định, góp phần nâng cao đời sống của người dân ven biển và đầm phá.
Đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã có gần 5.800 ha nuôi trồng thủy sản; sản lượng đạt 10.740 tấn, tăng 30,8% so với trước, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá theo hướng tích cực, từ khai thác sông đầm và sản xuất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản có giá trị và hiệu quả cao; tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động.
Kinh tế biển được tỉnh đầu tư đúng hướng, phát triển tương xứng với tiềm năng. Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 1.943 tàu khai thác thủy sản, trong đó có 265 tàu công suất trên 90CV và hơn 3.500 thuyền máy khai thác vùng sông, đầm phá. Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá, tỉnh đã thành lập 13 khu bảo vệ thủy sản, cấp 45 phép khai thác thủy sản trên thủy vực đầm phá cho 47 chi hội nghề cá. Về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, ngoài 4 công trình chính phục vụ nghề cá là Cảng cá Thuận An, Cảng cá Tư Hiền, Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải và Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai (hiện đang xây dựng) tại tỉnh còn có 25 âu thuyền tại các xã bãi ngang ven biển và đầm phá. Đến nay các cảng cá và khu neo đậu đều quá tải do tình trạng bồi lấp, riêng cảng Thuận An đã quá tải tới 2,5 lần, không đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ hậu cần cho nghề cá.
Thừa Thiên - Huế đề ra mục tiêu xây dựng và quảng bá thương hiệu biển Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Thời gian gần đây, ngư dân Thừa Thiên - Huế phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ngay trên biển bằng mô hình tự liên kết của ngư dân. Ngoài cung ứng nhiên liệu, lương thực, nhu yếu phẩm, nước ngọt, đá đông lạnh… cho các tàu đánh bắt ngoài khơi xa bám biển dài ngày, các tàu hậu cần khi xả hết hàng lại thu mua hàng chục tấn hải sản ngay giữa biển, tạo điều kiện cho tàu đánh bắt xa bờ bám biển dài ngày. Điển hình, thị trấn Thuận An đã thành lập Hiệp hội dịch vụ hậu cần nghề cá, một cách làm sáng tạo xuất phát từ tình hình thực tế. Đến nay, hiệp hội đã phát triển lên 25 tàu, công suất từ 400 CV đến 800 CV, mỗi tàu tạo việc làm cho 10 - 15 lao động có thu nhập khá ổn định. Nhiệm vụ của các tàu là luân phiên cung ứng dịch vụ trên biển, nhất là ngư trường ở Hoàng Sa.
Anh Trần Văn Hải, 45 tuổi ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) đã có hơn 20 năm theo tàu đi biển công suất lớn. Nhận thấy nhiều bất cập của các tàu thuyền ra khơi xa đánh bắt dài ngày, anh đã đầu tư vốn nâng cấp tàu TTH 96013 từ 300 CV lên 417 CV, tăng cường đi biển cung ứng dịch vụ mỗi tháng 2 chuyến (tùy theo thời tiết), lần cung cấp hàng nhiều nhất vừa đủ nhu cầu cho 3 tàu đánh bắt xa bờ. Đến nay, anh đã hoàn thiện mô hình tổ tàu dịch vụ hậu cần của gia đình gồm 4 chiếc, công suất từ 400 CV đến 750 CV, có thể cung ứng ở các vùng biển từ gần bờ đến xa khơi như tại ngư trường Hoàng Sa.
Chủ tịch UBND huyện Phú Vang La Phúc Thành cho biết: Hiện, ở các xã Phú Thuận và Phú Hải hầu hết ngư dân đều đầu tư phát triển tàu đánh bắt xa bờ, ngược lại ở Thuận An lại hình thành các đội tàu thu mua và cung ứng dịch vụ hậu cần, bao tiêu sản phẩm ngay trên biển. Mô hình này đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. So với các nghề khai thác khác trên biển, dịch vụ hậu cần nghề cá là ngành nghề cần sự đầu tư nguồn vốn lớn hơn rất nhiều. Bởi vậy, từ sự tiên phong của người dân, huyện đã có những định hướng hỗ trợ để nghề này có thể phát triển bền vững hơn trên địa bàn. Những năm trở lại đây, nhiều chính sách đã được thực hiện, hỗ trợ nâng cấp khu cảng cá Thuận An, khu neo đậu và các khu đóng mới, sửa chữa tàu thuyền trên địa bàn huyện Phú Vang. Đây là tiền đề để hỗ trợ cho ngư dân phát triển nghề đi biển cũng như nghề dịch vụ hậu cần tương xứng…
Năm 2015, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ở huyện Phú Vang đạt 27.600 tấn, trong đó sản lượng đánh bắt đạt 24.350 tấn và sản lượng nuôi trồng đạt 3.250 tấn, đạt 100% kế hoạch năm. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ du lịch ở Phú Vang phát triển khá đa dạng đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân. Hiện, hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, giao thông ở các xã, thị trấn ven biển và đầm phá đã được chú trọng đầu tư nâng cấp khá đồng bộ, tạo thuận lợi trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo...