Các nghệ nhân làng nghề Bao La đang đan các sản phẩm mây, tre. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Trong tổng nguồn vốn đầu tư nói trên, nguồn vốn xã hội hóa là 1.608 tỷ đồng, chiếm 85%; còn lại là nguồn vốn ngân sách hỗ trợ là 289 tỷ đồng, chỉ chiếm 15%. Trong giai đoạn này, tỉnh ưu tiên thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề; phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cơ sở công nghiệp nông thôn và phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp nông thôn; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn. Các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp nông thôn có thế mạnh của các địa phương về nguồn tài nguyên, lao động và thân thiện với môi trường như: chế biến nông lâm, thủy sản và đồ uống; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản phẩm thiết bị, máy móc và phụ tùng cơ khí; vật liệu xây dựng, dệt may - da giày. Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Thừa Thiên - Huế đề ra 8 nhóm giải pháp thực hiện như giải pháp về chính sách; giải pháp về công tác quản lý nhà nước đối với ngành nghề công nghiệp nông thôn; giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề; giải pháp về vốn; giải pháp về nguồn nhân lực; giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường; giải pháp về thị trường, xúc tiến thương mại và hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức có hiệu quả các chính sách đã ban hành; nghiên cứu, xây dựng các chính sách mới để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp nông thôn; trong đó, chú trọng hỗ trợ các nhóm sản phẩm công nghiệp nông thôn ưu tiên phát triển đến năm 2025. Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn để thu hút nhà đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Đối với nhóm giải pháp về vốn, tỉnh tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh trong giai đoạn đến năm 2025 đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp và một số làng nghề công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Thừa Thiên - Huế cũng tăng cường tìm kiếm vận động các nguồn tài trợ và đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nước ngoài để khai thác thêm các nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, xử lý môi trường ở các làng nghề… Trong năm 2018, chỉ riêng nguồn vốn khuyến công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản, đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ; cũng như hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế cao...
Quốc Việt