Một thế kỷ lưu giữ, phổ biến tri thức
Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga cho biết: Ngay từ khi mới thành lập, Thư viện Quốc gia Việt Nam hoạt động trên cơ sở mô hình tổ chức nghiệp vụ, kỹ thuật của Thư viện Pháp. Việc xây dựng vốn tài liệu được đặc biệt quan tâm và định hướng xây dựng một thư viện bách khoa những sách tốt nhất về văn học, nghệ thuật và khoa học, tập hợp tài liệu về Đông Dương cung cấp cho người đọc. Đến cuối năm 1953, Thư viện đã có 155.092 bản sách, 1.215 tên tạp chí. Giai đoạn 1917-1954, Thư viện đã xây dựng được số lượng tài liệu khá phong phú, gây dựng được cơ sở vật chất, con người, công tác nghiệp vụ, tạo tiền đề kỹ thuật, hoạt động thư viện tiên tiến cho Thư viện Quốc gia sau này.
Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga cho biết: Ngay từ khi mới thành lập, Thư viện Quốc gia Việt Nam hoạt động trên cơ sở mô hình tổ chức nghiệp vụ, kỹ thuật của Thư viện Pháp. Việc xây dựng vốn tài liệu được đặc biệt quan tâm và định hướng xây dựng một thư viện bách khoa những sách tốt nhất về văn học, nghệ thuật và khoa học, tập hợp tài liệu về Đông Dương cung cấp cho người đọc. Đến cuối năm 1953, Thư viện đã có 155.092 bản sách, 1.215 tên tạp chí. Giai đoạn 1917-1954, Thư viện đã xây dựng được số lượng tài liệu khá phong phú, gây dựng được cơ sở vật chất, con người, công tác nghiệp vụ, tạo tiền đề kỹ thuật, hoạt động thư viện tiên tiến cho Thư viện Quốc gia sau này.
Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh: baodulich.net.vn |
Việc xây dựng vốn tài liệu những năm sau tại Thư viện Quốc gia Việt Nam luôn được chú trọng, số lượng phát triển nhanh chóng. Đến nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam là nơi có vốn tài liệu lớn nhất trong cả nước, với tổng số trên 2,5 triệu đơn vị tư liệu. Trong đó, Thư viện đang lưu giữ một số bộ sưu tập tư liệu quý từ thế kỷ XVII. Những năm gần đây, đơn vị đã phát triển, xây dựng bộ sưu tập trên 5 triệu trang tài liệu số. Các tư liệu này được lưu giữ và phổ biến rộng rãi tới cộng đồng bạn đọc trong nước và nước ngoài.
Năm 1954, Hà Nội được giải phóng, Thư viện Quốc gia đã chuyển đổi hệ thống sang mô hình của Liên Xô cũ; nghiên cứu thực hành, góp nhiều công sức trong xây dựng bộ môn thư viện học, thư mục học ở Việt Nam. Năm 1957, Thư viện có sáng kiến xây dựng các kho sách dự trữ, “Thư viện kết nghĩa” cho miền Nam. Phong trào này đã lan rộng và được tất cả các tỉnh, thành phố ở miền Bắc hưởng ứng, góp phần quan trọng sớm hình thành mạng lưới thư viện tỉnh, thành phố ở các tỉnh phía Nam, kịp thời cung cấp đến người dân nhiều sách, báo ngay sau khi giải phóng miền Nam.
Bà Kiều Thúy Nga nhấn mạnh: Ngay trong những ngày tháng đất nước gian khổ nhất, tập thể cán bộ, công nhân viên của Thư viện luôn khắc phục khó khăn, bảo quản kho tàng ấn phẩm dân tộc và về dân tộc, bảo vệ tài sản trí tuệ vô giá, kho tàng tri thức lớn nhất của đất nước. Trong những năm kháng chiến, Thư viện đã phải sơ tán hàng nghìn tấn tài liệu lên phía Bắc, vào phía Nam, không quản ngại vất vả, gian lao và cả hy sinh. Những năm chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, tại các điểm sơ tán, Thư viện vừa lo bảo vệ kho tàng, vừa tổ chức phục vụ người dân trong khu vực, thực hiện cùng một lúc cả việc phục vụ tài liệu tại chỗ và phục vụ lưu động. Phong trào “Sách đi tìm người” đã được dấy lên từ những năm tháng gian khổ này. Cán bộ Thư viện đã vượt qua hàng chục cây số để đưa sách xuống cơ sở phục vụ người dân…
Đồng hành cùng văn hóa đọc
Mỗi ngày, Thư viện Quốc gia Việt Nam phục vụ trên 2.000 lượt bạn đọc đến nghiên cứu, học tập, giải trí tại trụ sở thư viện; trên 6.500 lượt bạn đọc truy cập trực tuyến qua website của Thư viện.
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới đánh giá: Về góc độ văn hóa, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đóng góp to lớn vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa của nước nhà. Sách báo, tài liệu truyền thống cũng như hiện đại (ở tất cả các kho tư liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam) đang hàng ngày, hàng giờ được bạn đọc trong và ngoài nước khai thác có hiệu quả, phục vụ công tác học tập, nghiên cứu và giải trí, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội.
Ngay từ những ngày đầu tiên phục vụ bạn đọc (năm 1919) đến nay, đã có rất nhiều độc giả Việt Nam và người nước ngoài đến Thư viện Quốc gia Việt Nam để đọc, sưu tầm và tra cứu tài liệu. Bởi Thư viện là nơi lưu giữ một “gia tài” tri thức phong phú và đồ sộ nhất nước, bao gồm nhiều lĩnh vực, chuyên ngành từ khoa học xã hội tới khoa học tự nhiên và nhiều khoa học liên ngành khác, từ sách phổ thông tới các sách chuyên khảo; kể cả các thứ tiếng thông dụng trên thế giới: Anh, Pháp, Nga, Hoa, Latinh ... Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng có một “môi trường đọc” thuận tiện và lý tưởng.
Từ năm 2002 đến nay, Thư viện Quốc gia đã duy trì và tổ chức “Ngày hội sách và văn hóa đọc” với nhiều nội dung, cách làm phong phú, đổi mới và hiệu quả, thu hút hàng ngàn độc giả, góp phần tôn vinh văn hóa đọc ở nước ta. Ngày hội sách và văn hóa đọc đã khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách trong tiếp thu kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Thư viện cũng thường xuyên duy trì các triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách nhân các sự kiện chính trị - xã hội của đất nước, của ngành văn hóa và các giao lưu văn hóa với nước ngoài. Nhiều thế hệ bạn đọc ở Việt Nam rất ấn tượng với những thủ thư, cán bộ thư viện đã tận tình, làm “nhịp cầu” thân thiết, kết nối người đọc với kho tàng tri thức của nhân loại. Thư viện Quốc gia Việt Nam đã góp phần duy trì và phát triển văn hóa đọc ở nước ta, phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đại chúng, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.
Ngày 5/12/2012, Thư viện Quốc gia Việt Nam chính thức là thành viên Thư viện số thế giới (WDL) do UNESCO sáng lập, hỗ trợ; và đang nỗ lực phát triển đa dạng dịch vụ cho các nhóm đối tượng người đọc, tổ chức được nhiều phòng đọc có không gian mở, không gian phức hợp, tiện nghi, hiện đại, thiết kế phù hợp nhiều nhu cầu khác nhau từ đọc sách, học tập, làm việc nhóm, trải nghiệm văn hóa. Trong đó, phòng đọc cho các nhà nghiên cứu và doanh nhân mở cửa năm 2010; Không gian chia sẻ S.hub năm 2016 - mô hình dịch vụ thư viện đổi mới, phục vụ trao đổi tri thức, thảo luận, làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng sáng tạo trong không gian tiện nghi hiện đại và thiết bị công nghệ cao. Tháng 11/2017, Thư viện Văn hóa thiếu nhi Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là một không gian phức hợp, kết hợp giữa đọc sách với các hoạt động trải nghiệm văn hóa như âm nhạc, phim ảnh, phát triển tài năng dành riêng cho thiếu nhi, góp phần kích thích sự sáng tạo, ham tìm hiểu, xây dựng niềm vui và thói quen đọc sách ở trẻ em…
Trong suốt 100 năm hình thành và phát triển, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong hoạt động sưu tầm, phổ biến nguồn tri thức quý giá, xứng đáng là cánh chim đầu đàn, đưa sách, tài liệu phục vụ người dân ở mọi thành phần xã hội...
Thanh Giang
TTXVN