Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: internet |
Năm 2007, nhận thấy giá trị kinh tế của chạch đồng cao, gia đình anh Hùng đã thả nuôi chạch theo cách truyền thống tại một số diện tích ruộng. Với 4 mẫu ruộng, gia đình anh thả 1 - 2 tấn giống, qua mấy vụ đều thất bại bởi phương pháp nuôi chạch luồn lúa có nhiều nhược điểm. Chạch là loại cá nhỏ, lại được thả trên diện tích lớn nên khó kiểm soát được quá trình sinh trưởng phát triển nên dễ bị nhiễm các bệnh do môi trường sống có hóa chất bảo vệ thực vật; khi bị bệnh lại không tập trung xử lý kịp thời nên chạch chậm lớn, chết nhiều gây thất thu.
Năm 2011, rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước đó đồng thời tự nghiên cứu thêm tài liệu về kỹ thuật nuôi, các phương pháp chăm sóc và thăm quan các mô hình ở các tỉnh trong vùng, anh bắt tay vào nghiên cứu cách cho chạch đẻ trứng bằng cách dùng thuốc kích thích. Thuốc được tiêm vào từng con giống bố mẹ, sau từ 1 - 8 tiếng chạch sẽ đẻ trứng. Cá chạch đẻ nhiều nhưng anh vẫn chưa biết cách tạo ra con giống con dù đã thử qua nhiều cách khác nhau như ấp rải bể, ấp khay lưới… nhưng tỷ lệ đậu vẫn quá thấp.
Qua tìm hiểu tham khảo từ nguồn thông tin về chăn nuôi thuỷ sản ở Hàn Quốc, Nhật Bản, cuối cùng anh Hùng chọn thử nghiệm ấp trứng cá theo kiểu bình vây. Anh dùng một chiếc bình hình chữ nhật làm bằng thuỷ tinh, thể tích từ 5-20 lít, chiều cao khoảng 40cm. Khi cá chạch đẻ trứng, trứng sẽ được đem thả vào bình vây đựng đầy nước ở nhiệt độ thích hợp cho trứng nở thành cá bột. Ưu điểm của cách ấp trứng cá này so với những cách trước đây anh Hùng đã làm là có nước được bơm vào bình thường xuyên từ trên xuống, những trứng bị ung sẽ nổi lên và được đào thải, tránh lây lan ô nhiễm sang những trứng khác làm ảnh hưởng đến quá trình trứng nở, nhờ đó tỷ lệ đậu cao hơn.
Không đủ vốn đầu tư chi phí cho bộ dụng cụ như nước ngoài nên anh Hùng đã nghiên cứu và chế tạo thành công bộ dụng cụ ấp trứng cá chạch bằng bình vây với chi phí nguyên liệu chỉ khoảng 300.000 đồng/bình, rẻ hơn nhiều lần so với các mẫu bình vây hiện đang được bán trong nước với giá dao động từ 15 - 20 triệu đồng/bình. Bằng việc chế tạo được mẫu bình vây ấp trứng, kết hợp với việc nuôi thả và ươm giống trong môi trường nước được xử lý bằng hệ thống tuần hoàn, quá trình nuôi cá chạch của anh Hùng khá thuận lợi. Hệ thống tuần hoàn nước là một công trình được nghiên cứu và phát triển bởi Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 2 (Tp. Hồ Chí Minh).
Anh Hùng cho biết, môi trường nước nuôi chạch phải đảm bảo nhiều tiêu chí như: có độ trong từ 40cm trở lên, các chỉ số hóa học như độ pH của nước từ 7-8,5, chỉ số NH3 và NO2 trong giới hạn cho phép… Hệ thống tuần hoàn được anh áp dụng đã giúp làm sạch nước và đảm bảo môi trường sống an toàn cho cá chạch phát triển khỏe mạnh hơn và ít bị bệnh. Tuy nhiên, hệ thống tuần hoàn nước chỉ giúp người nuôi giải quyết được vấn đề xử lý nước thường xuyên nên theo anh Hùng muốn thành công trong việc nuôi chạch điều quan trọng còn cần phải chủ động về nguồn thức ăn.
Trước đây khi nuôi chạch gia đình anh hoàn toàn sử dụng thức ăn công nghiệp nhưng từ khi có bể gây thức ăn phù du riêng cho cá đang trong chu kì đầu phát triển thì hiệu quả tăng lên rõ rệt, cá chạch tăng trưởng đều hơn, sạch bệnh và phát triển đúng theo thời hạn nuôi. Bể gây thức ăn trong trang trại của anh Hùng chiếm 10% tổng diện tích sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ nguồn thức ăn cho cá chạch bột trong giai đoạn phát triển đến khi thành cá chạch giống có thể đem xuất bán với thời gian gần 40 ngày. Khi cá chạch giống được đem thả nuôi trong môi trường ao anh mới bắt đầu sử dụng thức ăn là cám công nghiệp. Trước khi thả chạch phải xử lý ao nhằm diệt tạp, rắc vôi khử trùng sau đó mới lọc nước vào ao và dùng phân vi sinh để gây màu nước, quá trình chuẩn bị môi trường nuôi đạt chuẩn cho cá chạch mất khoảng từ 3 - 5 ngày.
Hiện mô hình nuôi cá chạch đồng giống và thương phẩm của anh Nguyễn Mạnh Hùng có diện tích 4 ha, được chia làm 40 ao nuôi trong đó có 15 ao nuôi con giống và 25 ao cá chạch thương phẩm, 2 nhà xưởng lai tạo con giống. Anh Hùng chia sẻ, mùa đông cá chậm lớn hơn, còn bình thường, sau khoảng hơn 3 tháng nuôi, cá chạch có trọng lượng đạt 40 - 50 gram/con, trung bình gấp 1,5 lần trọng lượng cá chạch trưởng thành nuôi trước đây tại ruộng theo phương pháp nuôi luồn lúa truyền thống. Cứ 1kg cá chạch thành phẩm nuôi hết 1 - 1,1kg cám công nghiệp, chi phí thức ăn và thuốc men trung bình từ 32.000 – 35.000 đồng.
Mỗi năm xuất bán khoảng 10 tấn cá chạch thương phẩm, giá dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/kg và hơn 4 triệu con cá chạch giống, gia đình anh thu lãi trên 600 triệu đồng. Trang trại của gia đình anh đã tạo việc làm cho 15 lao động, với mức lương từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá chạch, anh Hùng cho biết, bệnh hay gặp nhất ở cá chạch là lở loét trên thân do kí sinh trùng gây ra. Ngoài ra, chạch còn thường bị bệnh lở miệng. Khi mắc bệnh tỷ lệ chạch chết tăng dần, do đó phải thường xuyên kiểm tra để có biện pháp chăm sóc, xử lý kịp thời. Với bệnh lở loét trên thân, đầu tiên cần thay nước sau đó hòa thuốc vào môi trường nuôi; còn với bệnh lở miệng thì trộn thuốc với liều lượng thích hợp vào thức ăn; cần áp dụng phương pháp nuôi tập trung công nghiệp để kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo ông Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định, cá chạch đồng là một trong những đối tượng nuôi mới tại tỉnh Nam Định. Mô hình sản xuất giống và nuôi cá chạch đồng của gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng triển khai tại huyện Nghĩa Hưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là có thể khai thác tốt những diện tích đồng trũng để nuôi cá chạch với mức chi phí đầu tư ban đầu về giống, kĩ thuật… phù hợp và có khả năng nhân rộng trên địa bàn. Hiện nay, tại Nam Định còn nhiều diện tích vùng trũng ở các địa phương đang sản xuất lúa kém hiệu quả, nếu nằm trong quy hoạch đất cho phép chuyển đổi của địa phương có thể chuyển sang nuôi cá chạch đồng.