Thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Kon Tum và Gia Lai

Thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Kon Tum và Gia Lai

Sau 20 tháng thi công, ngày 28/6, Bộ Giao thông Vận tải cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã chính thức làm lễ thông xe Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum, vượt tiến độ 6 tháng so với hợp đồng. Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh - Kon Tum có tổng chiều dài 23,7km, đi qua các huyện Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum.

Lễ thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN).
Lễ thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN).

Điểm đầu của dự án tại Km 1512+100 thuộc địa phận huyện Đăk Tô, kết thúc tại Km 1546+700 thuộc địa phận thành phố Kon Tum.
Quy mô đầu tư tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường 12m, với 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Riêng đoạn mở rộng phía Bắc thành phố Kon Tum dài 3,4km được thiết kế đường phố chính đô thị, nền đường 23m... Hướng tuyến cơ bản của dự án là bám theo đường cũ (Quốc lộ 14), mở rộng hai bên, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn. Toàn tuyến có một cây cầu Ngô Trang.
Cùng ngày, tại km 1610+800 thuộc xã Ia Băng (huyện Đắk Đoa) Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ thông xe đường Hồ Chí Minh đoạn qua Gia Lai trước thời hạn 6 tháng.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Gia Lai có tổng chiều dài 113km, trong đó, đoạn từ thành phố Pleiku - cầu 110 giáp tỉnh Đăk Lắk có chiều dài 58km thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) do nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đảm nhân thi công với tổng nguồn vốn gần 1.800 tỷ đồng.
Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 6/2013, sau một năm tập trung thi công và đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án đảm bảo chất lượng tốt và về đích trước thời gian 6 tháng.
Việc thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh nói chung và đoạn qua Gia Lai nói riêng góp phần quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương.
Đây là tuyến trục dọc chính, kết nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau, giữa Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như với khu vực duyên hải miền Trung thông qua các tuyến đường ngang như: Quốc lộ 24, 25, 19, 26, 27, 28 và 55.../.
 

 

Có thể bạn quan tâm