Thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài cuối)

Thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài cuối)

Bài 3 (Bài cuối): Sức lan tỏa từ ý chí thoát nghèo

Sinh sống, lao động sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thường xuyên chịu rủi ro bởi biến đổi khí hậu, thiên tai và thiếu đất sản xuất nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi không chịu bó buộc trước những điều kiện bất lợi. Ở nhiều địa phương dọc tuyến biên giới phía Bắc, đồng bào đã tìm cách chủ động biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng để tạo thêm sinh kế, tìm cách thoát nghèo bền vững. Ý chí vươn lên chủ động thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại nhiều địa phương đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết…

Thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài cuối) ảnh 1Cán bộ địa phương hướng dẫn anh A Nghìn (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) về kỹ thuật trồng sâm dây trên diện tích mì kém hiệu quả. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Dựng xe máy bên con đường ngoằn ngoèo dẫn vào đồi thông ở xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), anh Trịnh Văn Tuấn, người địa phương cầm theo dao cạo mủ thông vừa rảo bước chân vừa cho hay: Huyện Lộc Bình nằm trong khu vực có địa hình đồi núi cao, khí hậu lạnh nên rất phù hợp với giống cây thông Mã vĩ. Loại cây này lại có hiệu quả kinh tế cao. Do đó, bà con khi phát triển kinh tế đồi rừng hầu như đều trồng thông. Thực tế là cây thông Mã vĩ đang từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân các thôn bản nơi biên giới.

15 năm qua, gia đình anh Trịnh Văn Tuấn đã nhận tổng cộng hơn 5 ha đất ở hai khu đồi để trồng cây thông Mã vĩ lấy nhựa, trung bình mỗi một héc ta trồng 1.650 cây thông. Hơn 8.000 cây thông Mã vĩ được gia đình anh trồng lần lượt từ năm 2008. Đến nay, hơn một nửa đã thu hoạch được mủ. Thời điểm thuận lợi, mỗi cây thông có thể cho khoảng 6kg nhựa/năm. Theo giá hiện nay ở địa phương, 1kg nhựa thông có giá giao động từ 30.000 - 35.000 đồng.

“Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn trăm triệu đồng từ thu hoạch mủ thông. Cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều so với trước đây”, anh Trịnh Văn Tuấn nói.

Anh Trịnh Văn Tuấn cho biết, cây thông được trồng phổ biến ở Lộc Bình nói riêng và các huyện biên giới tại Lạng Sơn nói chung. Không chỉ có gia đình anh, nhiều hộ dân khác cũng trồng từ vài nghìn tới hàng chục nghìn cây thông. Không ít hộ đã từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ trồng cây thông Mã vĩ trên mảnh đất biên giới này.

Chia sẻ điều này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái Hoàng Thị Giang cho biết: Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ khai thác nhựa thông, lãnh đạo huyện Lộc Bình đã xác định cây thông Mã vĩ là cây trồng chủ lực để xóa đói, giảm nghèo và phổ biến cho nhân dân trên địa bàn nói chung và ở Yên Khoái nói riêng để phát triển kinh tế đồi rừng. Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình này, đời sống của nhiều hộ dân Yên Khoái đã có chuyển biến tích cực.

“Bình quân thu nhập của người dân xã Yên Khoái hiện nay ở mức 49 triệu đồng/năm. Theo lộ trình phát triển nông thôn mới nâng cao, chúng tôi phấn đấu năm 2024 là 51 triệu đồng/năm. Việc người dân trên địa bàn thực hiện hiệu quả mô hình kinh tế đồi rừng từ việc trồng thông Mã vĩ đã giúp tăng thêm thu nhập xóa đói, giảm nghèo. Đó chính là một trong những yếu tố sẽ góp phần giúp xã đạt được chỉ tiêu phấn đấu này”- bà Hoàng Thị Giang chia sẻ.

Cũng chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, song đối với nhân dân huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, nhiều năm trở lại đây, một trong những cây trồng chủ lực lại là cây quế. Tổng diện tích quế được trồng ở trên địa bàn huyện hiện nay là hơn 6.000 ha. Nhờ cây quế, nhiều hộ dân đã cải thiện cuộc sống, con cái được học hành đầy đủ, đặc biệt có không ít hộ như gia đình anh Hoàng Văn Đại ở xã Tân Tiến, ông Hoàng Văn Píu ở xã Kim Đồng… đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ cây quế.

Cây quế đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong ý thức chủ động phát triển kinh tế của nhiều hộ chịu cảnh “nghèo lâu năm” ở Tràng Định. Một trong những trường hợp đó là chị Vi Thị Thơm ở bản Nặm Xà, xã Đội Cấn. Người phụ nữ dân tộc Tày này cho biết, trước đó, gia đình chị chủ yếu trồng bạch đàn, cây keo… Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, quá trình trồng những loại cây cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Khi thấy ngành nông nghiệp có tuyên truyền về các giống cây mới như hồi, quế, thông Mã vĩ, chị Thơm và nhiều hộ dân trong bản, trong xã đã quyết định thay đổi.

“Tôi mới nhận thêm 3 ha đất đồi và đã quyết định trồng quế để phát triển kinh tế. Năm 2020, gia đình tôi đã mua cây giống về trồng. Mới hơn 3 năm, hàng ngàn gốc quế đã phát triển tốt. Nếu thuận lợi, khoảng 5 năm nữa, quế có thể thu hoạch. Mỗi vụ có thể đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng”, chị Vi Thị Thơm khoe.

Nói về cây quế và khao khát giảm nghèo bền vững trên mảnh đất giáp biên này, anh Vi Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đội Cấn cho biết: Cây quế, hồi đang là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở Tràng Định. Thay vì bán sản phẩm thô, năm 2022, Lạng Sơn đã xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế ở Tràng Định nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ hai loại cây này, đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng. Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhà máy đã thu mua cành, lá quế của người dân các xã trên địa bàn huyện với số lượng lớn để sản xuất tinh dầu quế xuất khẩu. Nhà máy góp phần giúp nhân dân tận thu các phụ phẩm từ cây quế, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài cuối) ảnh 2Trưởng thôn Sình Dỉ Gai là người tiên phong làm du lịch ở Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang). Trong ảnh: Trưởng thôn Sình Dỉ Gai trang trí homestay của gia đình. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Đẩy mạnh giảm nghèo nhanh và bền vững

Chia sẻ về việc nâng chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo trên địa bàn, thông tin từ UBND huyện Lộc Bình cho hay, toàn huyện còn 2.134 hộ nghèo, chiếm 10%; có 1.762 hộ cận nghèo, chiếm 8,26%.

Lộc Bình đang đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới. Huyện đặt mục tiêu hết năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 3% trở lên. Riêng các xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm từ 4% trở lên.

Theo ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, huyện đang nỗ lực hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập người dân, nhất là ở các địa bàn nghèo. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, việc làm, trợ giúp xã hội. Để thực hiện mục tiêu đó, phát triển kinh tế đồi rừng với những mô hình sinh kế mới, hiệu quả chính là một trong những thế mạnh để người dân Lộc Bình vươn lên thoát nghèo.

Ý chí vươn lên thoát nghèo của những hộ “nghèo lâu năm” ở Lộc Bình và quyết tâm triển khai các chính sách giúp người dân phát triển kinh tế trên địa bàn huyện này cũng là chủ trương, chính sách và thực tế triển khai thực hiện của tỉnh Lạng Sơn. Tại tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, công tác giảm nghèo trên địa bàn luôn được cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ, kịp thời nhằm góp phần đẩy mạnh giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch và các chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ công tác giảm nghèo nhanh và bền vững đã được ban hành nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo…

Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của Lạng Sơn đã giảm từ 25,95% năm 2016 xuống còn 5,76% năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 42,35% năm 2016 xuống 10,27% năm 2021, vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm.

Theo chuẩn nghèo đa chiều, năm 2021, toàn tỉnh có 23.511 hộ nghèo, chiếm 12,2% thì năm 2022, tỷ lệ này giảm 3,28% so với năm trước, tức là đã bớt đi 6.013 hộ nghèo, vượt 9% kế hoạch. Đáng mừng nữa, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 10,42% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số (16.664 hộ/159.826 hộ), giảm 3,15% so với năm trước.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 5,92%. Để thực hiện mục tiêu đó, Lạng Sơn sẽ tập trung vào các dự án, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin…

Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn sẽ gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo. Các địa phương, đoàn thể vận động doanh nghiệp bảo trợ, nhận người nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định. (Hết)

Hạnh Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm