Thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài 2)

Chị em đồng bào dân tộc thiểu số thực hành may máy tại lớp học nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) tổ chức. Ảnh: Mai Trang - TTXVN
Chị em đồng bào dân tộc thiểu số thực hành may máy tại lớp học nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) tổ chức. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Bài 2: Thách thức song hành cùng cơ hội

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công cuộc giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, bất cập. Nhiều huyện vùng biên giới, miền núi, hải đảo vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao. Vòng luẩn quẩn thoát nghèo, tái nghèo vẫn là vấn đề bức thiết đòi hỏi sớm có giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là tại các vùng “lõi nghèo”. 

Tuy nhiên, thách thức luôn song hành cùng cơ hội. Đảng, Nhà nước đã nhất quán: giảm nghèo - nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đảng, Nhà nước đang có những điều chỉnh, thay đổi tích cực hơn nữa về cơ chế, chính sách để duy trì kết quả và gia tăng thêm giá trị đạt được trong chính sách, chủ trương đầy nhân văn này.

Thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài 2) ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác đến thăm và tặng quà cho gia đình ông Hoàng Văn Giang - người có uy tín tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Nguy cơ tái nghèo

Khi được hỏi về những hạn chế trong công tác giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều cán bộ địa phương tại khu vực miền núi, biên giới cho biết, vướng mắc đầu tiên phải kể đến là khó khăn về chính sách. Các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, hướng dẫn tiêu chí phân bổ vốn chậm ảnh hưởng đến việc triển khai Chương trình. Nguồn lực thực hiện Chương trình chưa đủ để đáp ứng nên không theo kịp với thực tiễn, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số đạt hiệu quả chưa cao. Phần lớn lao động sau khi học nghề xong không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng doanh nghiệp phải đào tạo lại. Việc đầu tư còn dàn trải, suất đầu tư quá thấp, nhiều khi số tiền chỉ mang tính hỗ trợ, rất khó để đầu tư cho một công trình xây dựng, nên việc đầu tư trở nên manh mún.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, đang có những khó khăn, tồn tại của công tác giảm nghèo. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, giao chỉ tiêu cho các địa phương, bộ ngành thực hiện các mục tiêu giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần quan tâm đảm bảo tính bền vững, thực chất để cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, có sinh kế ổn định, thu nhập, điều kiện sống được nâng cao, không bị rơi vào tái nghèo, cận nghèo…

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực. Sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú.

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách mặc dù đã được ban hành, nhưng văn bản hướng dẫn được triển khai chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, làm chậm triển khai các chính sách - ông Hầu A Lềnh nói.

Nhìn nhận vấn đề này, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) chỉ rõ: Tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn, chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó “lõi nghèo” tập trung nhiều ở khu vực các tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, nhất là khu vực miền núi Tây Bắc. Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng, miền, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng…

Trước những thực tế như vậy, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần đánh giá các chương trình, chính sách giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2020 theo các tiêu chí như: Tính kịp thời trong việc hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách; tính phù hợp của cơ chế, chính sách, dự án đã ban hành trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo về đối tượng thụ hưởng, đặc điểm vùng, miền; tính phù hợp với nguồn lực và năng lực thực thi của các địa phương...

Thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài 2) ảnh 2Chị em đồng bào dân tộc thiểu số thực hành may máy tại lớp học nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) tổ chức. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Khơi ý chí chủ động thoát nghèo

Mới đây, kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nêu rõ: Chương trình được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 24/2021/QH15 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 90/QĐ-TTg, với tổng nguồn vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Chương trình gồm 7 dự án, kết cấu thành 2 dự án độc lập và 11 tiểu dự án.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội: Chương trình đã bước đầu có những hiệu quả nhất định thông qua việc tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân sống trên địa bàn các huyện nghèo được tiếp cận mô hình sản xuất có hiệu quả; được hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển sản xuất; đào tạo nâng cao trình độ cho người dân; các hoạt động truyền thông về giảm nghèo đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, từ đó bà con dần thay đổi thói quen sinh hoạt, phương thức sản xuất và chủ động vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, Chương trình đang gặp một số hạn chế, bất cập. Theo đó, dù là một Chương trình có thời gian thực hiện lâu nhất, đã trải qua 7 giai đoạn triển khai và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, là điểm sáng trong công tác giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tuy nhiên, đa số đối tượng, địa bàn thuận lợi đã thoát nghèo, được thực hiện trong các giai đoạn trước, đến giai đoạn này, địa bàn thực hiện Chương trình là những “lõi nghèo” của cả nước (74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, vùng trung du và miền núi phía Bắc).

Việc ban hành một số văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ còn chậm đã ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình trong năm 2021, năm 2022 và năm 2023. Chương trình thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia nhưng thực chất bắt đầu thực hiện trong giai đoạn 2022-2025 do năm 2021 vẫn tiếp tục duy trì chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2022 - 2025, chuẩn nghèo đa chiều đã ban hành nhưng vẫn thấp hơn “ngưỡng mức sống tối thiểu” và chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát hằng năm. Kết quả thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo chưa bền vững. Các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo mà chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người ở các huyện nghèo hằng năm…

Trước những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm tháo gỡ. Trong đó, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo rà soát một số nội dung còn có khó khăn, vướng mắc liên quan đến Quyết định 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Chương trình để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 và bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chính sách cho vay hỗ trợ giảm nghèo, nhất là hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay, để giảm nghèo bền vững, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, phát huy ý chí, nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Nhà nước chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, cùng với việc tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành, cần tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp cần được quan tâm hỗ trợ phát triển, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi... (Xem tiếp Bài 3: Sức lan tỏa từ ý chí thoát nghèo)

Hạnh Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm