Nghệ nhân Y Thiêm (người thứ 2, từ trái sang) hát kể sử thi. |
Tôi đã có đôi lần được đắm mình trong khung cảnh ấy và nhận ra vì sao sử thi có sức cuốn hút đến lạ kỳ như vậy? Hãy nghe Y Thiêm, người Êđê ở buôn Tul, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar ( Đắk Lắk )kể sử thi (khan) Đam San: “Bắp chân chàng to như cây xà ngang, bắp tay chàng to như ống bể, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở ầm ầm như sấm dậy. Đam San vung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt qua một đồi tranh. Một lần xốc tới chàng vượt qua một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, chạy vun vút về phía tây. Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Khi chàng múa khiên, quả núi ba lần rạn nứt, đồi tranh ba lần bật rễ. Chàng hướng về phía mặt trời,đôi mắt long lanh như chim ghếch ăn hoa tre”. Còn Y Wohn Knul ở buôn A Kô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã khiến nhiều người mất ngủ với khan Mdrong Dam. Chàng trai hào hiệp và tốt bụng cùng tên trong sử thi ấy đã giúp dân làng vượt qua bao tai ương, khắc nghiệt của thiên nhiên để xây dựng cuộc sống ấm no, bình yên cho cộng đồng của mình. “Ngực của Mdrong Dam vồng lên như trảng cỏ đồi Mrưh. Chàng hăm hở đào đất, vác đá để bắt con suối Ea Mrưng đưa nước về làng. Nước của Mdrong Dam ngọt như ruột cây pung, con gái tắm thì da thịt trắng như trứng gà bóc, con trai uống thì mạnh lên như cây Plang đứng sừng sững ở đầu buôn. Lúa, ngô trên rẫy xanh tốt trở lại và trong gió ban chiều hay đêm trăng, cứ thì thào hát như ngợi ca lòng tốt của chàng…”. Tôi ngồi nghe và có cảm giác các nhân vật trong sử thi kia bước ra và trở về bằng xương, bằng thịt vạm vỡ ở đâu đó giữa núi rừng Tây Nguyên hồng hoang thuở nào. Vẻ đẹp của chàng Đam San, Mdrong Dam qua lời kể của Y Thiêm và Y Wohn hiện ra không thua kém bất kỳ hình ảnh tráng lệ nào có trong sử thi Hy Lạp.
Lễ mời rượu và diễn tấu cồng chiêng trước khi hát kể sử thi. |
Với chủ nhân của vốn văn hóa độc đáo ấy thì sao? Tôi nghĩ, có lẽ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, sự sùng bái và thần thánh hóa các thế lực siêu nhiên trong đời sống của họ luôn hiện hữu; đồng thời mối quan hệ liền mạch giữa quá khứ với hiện tại, giữa vô hình và hữu hình trong nhận thức của các cộng đồng người ở đây bao giờ cũng được xác tín đã giúp họ nuôi dưỡng, khơi dòng sử thi Tây Nguyên chảy mãi... Và cũng chính trong điều kiện ấy thì những gì phi hiện thực nhất có trong những câu chuyện kể do trí tưởng tượng và óc lãng mạn của con người sáng tạo ra được họ tiếp nhận một cách tự nhiên, chân thật và đầy lôi cuốn. Chất keo kết dính cộng đồng với sử thi nằm ở đây - là người kể luôn ngồi trong bóng tối, chỉ có giọng điệu cất lên theo tình tiết, nhịp điệu câu chuyện giúp người nghe cảm nhận, chia sẻ và hóa thân với nhân vật theo cách sống và cách cảm của mỗi người về một cuộc sống tươi đẹp và giàu mơ ước nhất.
"Hàng chục sử thi Tây Nguyên được sưu tầm, biên dịch và xuất bản trong thời gian qua chẳng dựa vào ký ức của cộng đồng người ở đây là gì… Phải nói rằng ký ức còn là sử thi còn" - GS-TS PHAN ĐĂNG NHẬT - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. |