Trẻ em trên thế giới sẽ phải đối mặt với các hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu khắc nghiệt hơn so với thế hệ ông bà của mình hiện nay khi mà các hiện tượng nắng nóng kéo dài, lũ lụt và hạn hán được dự báo sẽ tăng vọt trong tương lai.
Đây là kết quả nghiên cứu do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) cùng Đại học Vrije Universiteit Brussel (Bỉ) thực hiện và công bố trên tạp chí Science. Nghiên cứu dựa trên các cam kết về giảm phát thải theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, theo đó tính toán về nguy cơ khủng hoảng khí hậu mà trẻ em sinh năm 2020 phải đối mặt so với thế hệ sinh năm 1960.
Theo báo cáo của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, trung bình, trẻ em sẽ phải hứng chịu số đợt nắng nóng gấp 7 lần và các đợt hạn hán, lũ lụt cũng như mất mùa gấp gần 3 lần do tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng. Đặc biệt, trẻ em ở những nước thu nhập thấp hoặc trung bình có nguy cơ phải hứng chịu tác động nặng nề hơn. Cụ thể, trẻ em ở Afghanistan có thể sẽ phải trải qua số đợt nắng nóng cao hơn 18 lần so với thế hệ ông bà của họ, trong khi trẻ em ở Mali có khả năng phải đối mặt với tình trạng mất mùa gấp 10 lần.
Nghiên cứu cũng cho thấy nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng ước tính từ mức 2,6 độ C đến 3,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho rằng điều này sẽ gây ra "tác động không thể chấp nhận được đối với trẻ em". Giám đốc điều hành của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Inger Ashing, nhận định "khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em". Tuy nhiên, bà Ashing tin rằng vẫn còn cơ hội để thay đổi tương lai của trẻ em hiện nay, thậm chí cả những trẻ chưa chào đời, nếu như các nhà lãnh đạo lắng nghe lời kêu gọi của trẻ em và hành động kịp thời nhằm giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C. Cô bé Anuska người Nepal, 15 tuổi, đã chia sẻ những lo lắng khi bản thân trải qua sự thay đổi khắc nghiệt của khí hậu ở nước mình. Các đợt nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, mưa nhiều hơn và mất mùa thường xuyên hơn khiến em cảm thấy việc sống sót trong tương lai "gần như là không thể". Anuska cho rằng "biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong kỷ nguyên này", đồng thời kêu gọi thế hệ hiện nay "không nên nhắm mắt làm ngơ". Ngoài ra, trẻ em ở Philippines, quần đảo Solomon, hay Australia đều lên tiếng kêu gọi hành động sau khi phải chịu ảnh hưởng về tinh thần và gián đoạn học tập do thảm họa thiên nhiên gây ra.
Tháng 8 vừa qua, Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng tình trạng nóng lên toàn cầu có nguy cơ sớm nằm ngoài tầm kiểm soát dẫn đến khủng hoảng khí hậu trong nhiều thập kỷ tới. Việc các nước cam kết cắt giảm khí thải theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho đến nay là chưa đủ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, chưa tính đến mức khuyến nghị lý tưởng là 1,5 độ C. Theo nghiên cứu, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, số đợt nắng nóng mà trẻ em có nguy cơ đối mặt trong tương lai có thể giảm 45%, hạn hán và lũ lụt giảm gần 40% so với mức dự báo hiện nay.
Hoàng Châu