Thầy giáo Nguyễn Tiến Minh thăm và tặng quà cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Sinh ra trên mảnh đất Hương Sơn (Hà Tĩnh), năm 11 tuổi chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Minh mới được đến trường, sau khi tốt nghiệp phổ thông tiếp tục gia nhập thanh niên xung phong tại địa phương. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, vẫn ước mơ với con chữ, thầy Minh quyết tâm thi đậu vào Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Tốt nghiệp Đại học ở tuổi 40, thầy Minh chuyển vào vùng đất Đồng Nai và bắt đầu sự nghiệp trồng người. Khi công tác tại Trường Trung học Phổ thông Tân Phú (huyện Định Quán), thầy Minh thường trao đổi, trò chuyện nên tạo được mối liên hệ mật thiết với những học trò của mình. Cũng từ đó, thầy biết được nhiều học trò của mình hoàn cảnh rất khó khăn và có nguy cơ phải từ bỏ con đường học tập khi còn giang dở. “Nhiều trường hợp học sinh có gia cảnh rất khó khăn, nếu chịu khó để ý học sinh của mình sẽ thấy có những em cả tuần đi học chỉ mặc độc một bộ đồ mà không có bộ khác để thay. Từ đó, tôi bắt đầu có suy nghĩ phải làm điều gì đó để giúp đỡ các em học sinh. Ý tưởng kêu gọi phụ huynh học sinh đứng ra quyên góp, hỗ trợ những học sinh nghèo bắt đầu từ đây”, thầy Minh chia sẻ.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Minh thăm và tặng quà cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Ảnh: Lê Xuân – TTXVN |
Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành nhờ những bài giảng hay những lời nói động viên của thầy. Từ những học sinh cá biệt, nghe và suy ngẫm câu nói của thầy đã thay đổi hoàn toàn thái độ học tập. Thầy Minh cho biết, có trường hợp em học sinh thuộc dạng cá biệt trong lớp, không chịu khó học tập, nhưng có lần ngồi trò chuyện, chia sẻ, thầy nói “Sau này ra cuộc sống, phát lương cho người khác sẽ sướng hơn chờ người khác phát lương cho mình”. Cũng chính vì câu nói ấy mà cậu học trò đã thay đổi hoàn toàn, tích cực học tập và hiện nay đã trở thành ông chủ của một doanh nghiệp lớn trên địa bàn huyện. Sau 20 năm công tác trong nghề giáo, nghỉ hưu nhưng nỗi lòng thầy Minh vẫn canh cánh hướng về những em học trò nghèo hiếu học. Thầy tiếp tục tham gia làm Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Định Quán. Khi mới thành lập, Hội còn rất nhiều khó khăn, thầy cùng các đồng nghiệp của mình gây dựng từng chi hội khuyến học tại các địa phương. Những ngày đầu làm khuyến học, thầy Minh chủ yếu vận động tài trợ từ phụ huynh học sinh và các học trò cũ của mình. Khi đã tạo được uy tín, thầy bắt đầu tìm các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức và các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Thầy Nguyễn Tiến Minh cho biết, khi mạng xã hội phát triển thầy bắt đầu tận dụng Facebook để mở rộng nguồn tài trợ. “Ban đầu khi không biết sử dụng máy móc, truy cập internet, thầy phải nhờ chính những học trò cũ của mình hướng dẫn, trước đây mình dạy học trò, bây giờ lại quay lại học hỏi tụi nó, việc học hỏi phải liên tục suốt đời mà” thầy Minh bộc bạch. Ban đầu chỉ sử dụng Facebook với mục đích giải trí, thầy cảm thấy không có tác dụng gì. Tuy nhiên, sau thời gian theo dõi thấy có nhiều người bán hàng qua Facebook, từ đó, thầy lóe lên ý tưởng tại sao không thử kêu gọi cộng đồng giúp đỡ thông qua mạng xã hội. Nghĩ là làm, thầy thử đưa trường hợp của bốn chị em không cha mẹ sống trong một ngôi nhà sập xệ gần bìa rừng, bữa cơm hằng ngày chỉ là cơm trộn mắn kho ăn với rau rừng lên trang cá nhân của mình. Hiệu quả đến ngay tức thì, có rất nhiều lượt chia sẻ và nhiều cuộc điện thoại đề nghị giúp đỡ những em nhỏ này. Cứ thế, nhiều hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh được biết đến. Nhiều thế hệ học sinh đã có thêm cơ hội tới trường khi con đường học tập còn dang dở. Thầy Minh cho biết, để minh bạch trong việc giúp đỡ các em học sinh, khi có những nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân đồng ý hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, thầy là người dẫn họ đến tận nơi để chính họ trao tận tay những phần quà, suất học bổng đến các em nhỏ.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Minh tặng quà cho các em nhỏ. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Bà Lò Thị Nhinh (xã Thanh Sơn, Định Quán) cho biết, dù thầy đã ở độ tuổi gần 80, nhưng mỗi khi nghe được có những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, thầy lại tự mình chạy xe máy đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh và tìm kiếm nguồn tài trợ. Có những hôm trời mưa, đường xá lầy lội rất khó đi, thầy vẫn quyết tâm đi đến tận nơi. Nhiều lần nghe thông tin thầy bị té xe trên đường đi, không chỉ bản thân mà nhiều người dân nơi đây không khỏi xót xa và kính trọng thầy nhiều hơn. Em Lý Thị Nợ, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Nguyễn Du (huyện Định Quán) cho biết, cha mẹ đã bỏ đi từ khi còn rất bé để lại 3 chị em bơ vơ sống với bà ngoại tuổi đã cao. Cả nhà không có chỗ ở phải đi sống trong căn lều tạm mượn được của người quen. May mắn gặp được thầy giáo Minh, thầy đã vận động các nhà tài trợ và chuẩn bị xây dựng cho mấy bà cháu một căn nhà để ở. Nhờ thầy, em được đi học, có nhà để ở. Em chỉ mong thầy được khỏe mạnh và có thể giúp đỡ thêm được nhiều bạn nhỏ có hoàn cảnh tương tự như em. Khi được hỏi trong những năm làm công tác khuyến học, thầy đã giúp đỡ được bao nhiêu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thầy chỉ cười và nói, thầy làm không phải vì thành tích chỉ là thấy thương và muốn giúp các em học sinh nghèo có thêm cơ hội được đến trường, thành công trong tương lai. Đây chính là những mong muốn, là thành công lớn trong cuộc đời người thầy giáo già tâm huyết với công tác khuyến học giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, thầy Nguyễn Tiến Minh đã vận động từ nhiều nguồn tài trợ, đã xin học bổng toàn phần cho ba em học sinh với tổng trị giá 180 triệu/suất; xây xong và bàn giao một căn nhà trị giá 63 triệu đồng; đang xây dựng một căn nhà trị giá 70 triệu đồng cùng hàng ngàn phần quà nhỏ được chuyển đến tận tay các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Lê Xuân