Thành phố Hồ Chí Minh và cuộc chiến phòng, chống ma túy (Bài 2)

Thành phố Hồ Chí Minh và cuộc chiến phòng, chống ma túy (Bài 2)
Thực tế này đặt ra vấn đề cần quản lý chặt việc mua bán, vận chuyển, sử dụng các loại hóa chất, tiền chất này.Bài 2: Quản lý chặt nguồn cung tiền chất Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thành công của các chuyên án gần đây đã đánh mạnh vào nguồn cung ma túy trên địa bàn thành phố nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Tuy nhiên, việc các đối tượng hình thành cả xưởng sản xuất ma túy trong nước là đáng báo động, trong đó đặt ra vấn đề việc quản lý hóa chất, tiền chất còn nhiều lỗ hổng.   
Thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47B, Bộ Công an phía Nam), Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên Phòng) triệt phá một đường dây buôn bán ma túy quy mô lớn. Lực lượng liên ngành thu giữ 10kg ma túy đá, 1kg Ketamine (một loại thuốc gây mê, gây ảo giác), 5 nghìn viên ma túy tổng hợp và lượng lớn tiền mặt. Trong ảnh: Tang vật tiền được thu giữ. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
Thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47B, Bộ Công an phía Nam), Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên Phòng) triệt phá một đường dây buôn bán ma túy quy mô lớn. Lực lượng liên ngành thu giữ 10kg ma túy đá, 1kg Ketamine (một loại thuốc gây mê, gây ảo giác), 5 nghìn viên ma túy tổng hợp và lượng lớn tiền mặt. Trong ảnh: Tang vật tiền được thu giữ. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
Trong chuyên án triệt phá đường dây sản xuất ma túy của Văn Kính Dương, bên cạnh lượng ma túy thu giữ, Công an còn thu giữ hơn 3.000 lít hóa chất gồm acetone, methanol, methylamine. Thượng tá Dương Ngọc Danh, Phó trưởng Công an quận Bình Thạnh, đơn vị chủ lực tham gia phá án cho biết, một trong những thành phần quan trọng để sản xuất ma túy chính là methylamine dưới dạng thể lỏng. Loại hóa chất này được các “chân rết” trong đường dây của Dương nhập lậu từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội, rồi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Các loại hóa chất khác, các đối tượng khai nhận mua trên thị trường trôi nổi, trong đó có khu vực chợ Kim Biên (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).    Ghi nhận thực tế tại chợ Kim Biên – chợ buôn bán hóa chất lớn nhất và lâu đời nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, các loại hóa chất như methanol (cồn công nghiệp), acetone và một số loại axit được mua bán khá dễ dàng chỉ vớỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng một lít. Không cần biết mục đích sử dụng của người mua, người bán sẵn sàng bán với số lượng bao nhiêu cũng có.    Tại Việt Nam, hiện nay, 41 tiền chất đã được phép sử dụng, đang được quản lý bởi Bộ Y tế 9 loại và Bộ Công Thương 32 loại. Theo các cơ quan chức năng, tiền chất là các hóa chất rất cần thiết, thậm chí không thể thiếu được trong các ngành công nghiệp, y học, nghiên cứu khoa học và trong đời sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên, dưới bàn tay của các đối tượng sản xuất ma túy,  tiền chất và các hóa chất lại được sử dụng làm nguyên liệu điều chế ra ma túy bán tổng hợp (heroin) và ma túy tổng hợp (ecstasy, amphetamine, methaphetamine…). Theo các chuyên gia, các hóa chất dễ mua trên thị trường chủ yếu đóng vai trò là dung môi, riêng tiền chất methylamine – tiền chất quan trọng để tổng hợp thành ma túy phải nhập khẩu. Hiện tiền chất này bị các cơ quan chức năng cấm nhập nhẩu, song bằng con đường nhập lậu, các “trùm” ma túy đã mua được methylamine để điều chế thành ma túy tổng hợp.   Cơ quan Công an đã phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng sản xuất, mua bán ma túy sử dụng một số loại thuốc tân dược để chiết xuất ra tiền chất ma túy. Theo bác sỹ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh, một số loại thuốc tân dược có chứa tiền chất Pseudoephedrin, là loại tiền chất thường được sử dụng với tỷ lệ nhỏ trong các loại thuốc trị sổ mũi, cảm cúm, dị ứng, nghẹt mũi, có tác dụng để co mạch, bớt xung huyết cho bệnh nhân. Dùng tiền chất này sẽ sản xuất được amphetamin (thuốc lắc) và methamphetamin (ma túy đá). Một số hóa chất dù chỉ đóng vai trò dung môi như aceton nhưng cũng có thể gây nghiện. Aceton có trong keo dán dùng để dán giày có thể gây nghiện nếu trẻ nhỏ hít nhiều. Chất lỏng này vẫn được bán công khai tại các chợ hóa chất và thường xuyên được sử dụng trong y khoa, sản xuất công nghiệp…   Do tính chất quan trọng trong đời sống, hiện nay, tại Việt Nam, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu một số chất gây nghiện, chất hướng thần và tiền chất như codeine phosphate, diazepam, morphin, codeine base… Các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế quản lý thích hợp, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm chống thất thoát tiền chất từ các nguồn hợp pháp này.   “Kiểm soát tiền chất không phải là cấm sử dụng các chất đó mà đòi hỏi phải có cách quản lý, biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm tránh cho các đối tượng xấu lợi dụng để sản xuất trái phép ma túy”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên Khoa Dược, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, sẽ vô cùng nguy hiểm nếu như các tiền chất này rơi vào tay các đối tượng xấu. Chỉ cần có kiến thức hóa học tốt, có sẵn tiền chất và một số dung môi dễ mua trên thị trường, việc tổng hợp ma túy “dễ như trở bàn tay”.    Theo các chuyên gia, điều cốt yếu là ngăn chặn được việc nhập lậu một số tiền chất nguy hiểm như methylamine, đồng thời quản lý được việc mua bán các hóa chất, dung môi như aceton, methanol, các loại axit…, có như vậy mới ngăn ngừa được tận gốc. Trước khi cho phép nhập khẩu một hóa chất, tiền chất nào đó, cơ quan nhà nước cần được kiểm duyệt kỹ, yêu cầu doanh nghiệp chứng minh được mục đích mua – bán, sử dụng hóa chất, tiền chất. Thậm chí, các cơ quan chức năng cũng cần phải “lường” trước được những nguy hiểm, những biến tướng mà các loại hóa chất, tiền chất có thể gây ra trước khi quyết định cho phép nhập khẩu.   Nhằm giải quyết bài toán quản lý các hóa chất nguy hiểm, có thể gây hại cho sức khỏe người dân, mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án thành lập Trung tâm Hóa chất và hương liệu thành phố thay thế cho chợ Kim Biên – chợ hóa chất tử thần đã tồn tại hàng chục năm trên địa bàn thành phố. Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây sẽ là nơi thực hiện các thí nghiệm hóa chất cho các nhà sản xuất, đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp sử dụng liều lượng hóa chất một cách hợp lý; kiểm soát chặt hơn việc lưu thông, buôn bán hóa chất tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung./. 
Đinh Hằng - Thành Chung
Bài 3: Cai nghiện ma túy bằng chất thay thế Suboxone – những hiệu quả bước đầu
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm