Sau khi Thông tấn xã Việt Nam phản ánh, về việc cây cầu phao bắc qua sông Mã nối xã Cẩm Vân với 7 xã phía Nam của huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc giao thương, sản xuất của người dân, mới đây, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đơn vị đang triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Cẩm Vân, phấn đấu năm 2025 sẽ đưa cầu vào hoạt động, phục vụ đi lại người dân hai xã Cẩm Vân và xã Cẩm Tân.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 9/2023 với mức đầu tư 330 tỷ đồng, công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Dự án có chiều dài hơn 1 km, phần cầu dài hơn 612 m, đi qua 2 xã Cẩm Vân và Cẩm Tân, huyện miền núi Cẩm Thủy, công trình sau khi hoàn thành sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương
Ông Hoàng Thanh Phúc, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Ban quản lý dự án đã ký hợp đồng với các đơn vị thi công, đến thời điểm hiện tại đơn vị đang triển khai các hạng mục, phấn đấu thi công đúng tiến độ để bàn giao công trình trong năm 2025, qua đó, giúp người dân hai bên bờ sông Mã đi lại thuận tiện”.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Chỉ huy trưởng công trường - Công ty cổ phần xây dựng số 18 cho hay, sau khi ký hợp đồng nhận bàn giao từ chủ đầu tư, Công ty đã huy động máy móc, thiết bị thi công lán trại, trạm biến áp, kết cấu của cầu, cũng như hoàn thành việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Việc thi công trên công trường luôn đảm bảo an toàn, đúng tiến độ theo cam kết bạn đầu với chủ đầu tư”.
Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh, để giúp nhân dân hai bên bờ sông Mã đi lại thuận tiện, UBND huyện Cẩm Thủy đã dựng một cây cầu phao bắc qua sông Mã để người dân xã Cẩm Vân với 7 xã phía Nam huyện Cẩm Thủy đi lại.
Trải qua hơn 50 năm sử dụng, cây cầu phao xã Cẩm Vân đã bị xuống cấp trầm trọng, cầu chỉ rộng khoảng 3-4 m, dài 240 m, được nối bởi các nhịp phao đã hoen rỉ, mặt sàn của cầu là các then gỗ, các tấm tôn kim loại được xếp đặt lộn xộn, gỗ bị mục và cầu cũng không có lan can, mỗi khi người dân và học sinh qua lại, cây cầu rung lắc. Hàng năm, ngân sách xã chi 40-50 triệu đồng, UBND huyện Cẩm Thủy hỗ trợ một phần, nhân dân cũng đóng góp một phần nhưng chỉ đủ kinh phí sửa chữa tạm thời.
Mặc dù, biết đi qua cầu nguy hiểm nhưng do đây là con đường duy nhất nên mỗi ngày có trên 1.000 người đi lại qua sông; trong đó, có 300 học sinh trường THPT Cẩm Thủy 2, hơn 500 lao động làm việc tại các nhà máy may khu vực huyện Vĩnh Lộc và nhiều hộ dân ở các thôn Tiên Lăng, thôn Đồi Trông, thôn Quan Phát phải qua sông để canh tác trên diện tích 100 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực phía Bắc sông Mã..
Nguyễn Nam