Tại Sóc Trăng, nhiều địa phương trong tỉnh đã vận động nguồn xã hội hóa từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm để xây dựng hàng trăm cây cầu giao thông nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Những cây cầu được xây dựng đã giúp địa phương hoàn thiện hệ thống giao thông vùng nông thôn và đồng bào dân tộc Khmer đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa dễ dàng, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Nối bờ nhịp vui
Những ngày này, bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) rất phấn khởi vì được đưa vào sử dụng cầu Trà Lây 1.
Ông Trần Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, cầu Trà Lây 1 với chiều dài 45 mét, ngang 3,5 mét với tổng kinh phí mạnh thường quân hỗ trợ 250 triệu đồng mua vật liệu xây dựng và người dân ở địa phương đóng góp ngày công xây dựng. Xã Thuận Hưng với trên 55% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Cầu Trà Lây 1 đưa vào sử dụng sẽ giúp bà con đồng bào dân tộc nơi đây có thêm điều kiện sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Triệu Sươl, xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), khi chưa có cầu, gia đình đi chợ phải đi đường vòng, trẻ em đi học và vận chuyển người bệnh gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, bà con đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Trà Lây rất phấn khởi bởi việc con em đi học thuận tiện hơn. Đặc biệt, việc mua bán nông sản dễ dàng hơn trước rất nhiều. Không chỉ khánh thành cầu Trà Lây 1, trong những ngày vừa qua, huyện Mỹ Tú đưa vào sử dụng từ thêm 2 cây cầu (tại xã Mỹ Hương và xã Mỹ Thuận) từ nguồn xã hội hóa.
Ông Châu Kim Hưng, xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, với sự hỗ trợ về kinh phí để mua vật liệu, bà con đồng bào dân tộc Khmer nơi đây nhiệt tình đóng góp ngày công xây dựng. Ông Hưng cũng gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, sự quan tâm của chính quyền địa phương đã xây dựng cầu giúp bà con đi lại dễ dàng.
Từ năm 2016 đến nay, bà Phan Kim Nhẹ (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã vận động mọi người tham gia đóng góp xây dựng được trên 100 cây cầu nông thôn, trong đó, huyện Mỹ Tú đã xây dựng 71 cây cầu đều có chiều ngang từ 3,5 mét trở lên, chiều dài khoảng 45-60 mét. Kinh phí mua vật liệu là nguồn huy động còn người dân địa phương đóng góp ngày công xây cầu.
Bà Phan Kim Nhẹ bày tỏ vui mừng vì nhờ có cây cầu, hàng ngày mọi người dân đều đi lại thuận tiện hơn xưa, đồng thời xem đây là động lực để tiếp tục vận động xây dựng thêm các cây cầu nông thôn ở địa phương trong thời gian tới.
Vận động từ nhiều nguồn lực xây dựng
Ông Phạm Tuân, Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú cho biết, thời gian qua, bằng nhiều nguồn lực, địa phương đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông nông thôn của huyện nói chung và hạ tầng nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Tuy nhiên, ngân sách còn giới hạn nên địa phương đã đẩy mạnh công tác vận động các nguồn lực xã hội hóa bên ngoài để xây dựng cầu giao thông nông thôn. Việc vận động xây dựng đảm bảo công khai minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ về chuyên môn trong xây dựng của ngành chức năng.
Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú cho biết thêm, từ năm 2022 đến nay toàn huyện đã vận động xây dựng được 56 cầu giao thông nông thôn từ nguồn xã hội hóa. Các cây cầu trong vùng đồng bào dân tộc được đầu tư xây dựng đã góp phần giúp cho đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng lên.
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng thông tin, tỉnh Sóc Trăng có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, tập trung nhiều tại Thị xã Vĩnh Châu, huyện Châu Thành, huyện Long Phú và huyện Mỹ Tú.
Thời gian qua, cùng với nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh còn quan tâm việc xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trong vùng dân tộc Khmer, đảm bảo cho bà con dân tộc có điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã vận động xã hội hóa để thực hiện xây dựng gần 200 cây cầu ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng; qua đó, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn ở Sóc Trăng, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh sinh hoạt, giao thương hàng hóa dễ dàng và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tuấn Phi