Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-HĐND, ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025, hệ thống giao thông nông thôn ở miền núi Tuyên Quang đã có những đổi thay rõ rệt. Cùng với hàng trăm km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, 77 cây cầu mới được xây dựng đã tăng cường kết nối hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa
Xóa cầu tạm, gỡ “nút thắt” giao thông
Địa bàn xã Chiêu Yên (huyện Yên Sơn) có hai con suối. Đây là nguồn cung cấp nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt sản xuất, nhưng cũng là trở ngại trong việc đi lại của người dân. Theo ông Mông Thanh Vấn, Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên, bao năm qua, người dân, học sinh nhiều thôn, bản thường phải lội qua suối để đi làm, đi học. Có những đoạn nước suối sâu, chính quyền và nhân dân phải ghép tạm những ống cống xi măng để đi lại. Song, biện pháp này chỉ áp dụng được vào mùa khô. Mùa mưa đến, lũ về nhiều, dòng nước suối dâng cao từ 1 - 1,2 m, “cây cầu tạm” bằng ống cống bị ngập sâu, hoặc bị cuốn trôi theo dòng nước. Vì thế, trẻ em không thể đến trường, người lớn cố gắng đi qua rất vất vả, nguy hiểm.
Đoàn viên, thanh niên xã Bình An tham gia xây dựng cầu dân sinh qua suối Khò Xé, thôn Nà Xé (huyện Lâm Bình). Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Ông Mông Thanh Vấn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-HĐND, xã Chiêu Yên được đầu tư xây dựng 5 cây cầu, tại ba thôn: Đán Khao, Tân Lập và Phai Đá. Sau khi hoàn thiện, các cây cầu đã giúp xóa các điểm nghẽn về giao thông nông thôn, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp việc vận chuyển hàng hóa, nông, lâm sản được thuận tiện hơn.
Cây cầu Lũng Ỏi, bắc qua con suối Ông Chiên nối liền con đường đi vào 7 hộ dân và vùng sản xuất của gần 40 hộ đồng bào Tày (thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên) hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu tháng 6/2023. Ông La Văn Tám, Bí thư Chi bộ thôn Đán Khao (xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn) cho biết, thời gian trước, mỗi khi mưa lũ, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều gia đình thường xuyên bị cô lập, chia cắt nhiều ngày vì mưa lũ (nước rút chậm). Năm 2021, một gia đình trong thôn có người ốm nhưng vì nước suối dâng cao, chảy siết trong đêm tối, không thể đưa đến bệnh viện điều trị. Giờ đây, cây cầu mới bằng bê tông vững chắc được đưa vào sử dụng, bà con rất vui mừng, phấn khởi.
Nhịp cầu nối những bờ vui
Ngày cây cầu Tân Dân được khánh thành, đưa vào sử dụng (tháng 1/2023 hoàn thành xây dựng) nối liền thôn Tân Dân (xã Hợp Hòa) với thôn Tân Phú (xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương) trở thành ngày trọng đại đối với bà con nơi đây. Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương cho biết, thôn Tân Dân là thôn cuối của xã tiếp giáp với thôn Tân Phú (xã Thiện Kế) chỉ cách một con suối nhỏ. Nhiều năm trước, các hoạt động sinh hoạt, đi lại của nhân dân, việc đến lớp, đến trường của trẻ em đều gặp nhiều trở ngại mỗi khi mùa mưa đến.
Thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-HĐND, cây cầu Tân Dân được xây dựng theo tiêu chuẩn cầu đường giao thông nông thôn bán vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, với chiều dài 12,5 m, rộng 3,5 m, hai bên đường dẫn lên cầu dài trên 88 m. Nhờ đó, việc đi lại của bà con hai thôn được thuận tiện; nông sản bán được giá hơn.
Người dân thôn Nà Nghè (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) không còn phải lội qua suối, lo lắng khi đi qua cây “cầu tạm” hay phải vượt qua quãng đường vòng vài cây số đèo dốc. Ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình cho biết, thôn Nà Nghè có gần 110 hộ dân sinh sống dọc hai bên con suối Khuổi Minh. Bà con trong thôn thường ghép những cây gỗ thành “cầu tạm” để đi lại qua suối. Mùa mưa đến, hầu như năm nào cây “cầu tạm” cũng bị lũ cuốn trôi. Tháng 11/2022, thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-HĐND, cây cầu Nà Khan được đầu tư xây dựng, nối liền tuyến đường giao thông chính của thôn, giúp hơn 50 hộ dân bên kia con suối đi đến trung tâm xã, trường học và chợ trung tâm được thuận lợi, an toàn.
Để hoàn thiện hệ thống giao thông vùng khó khăn, Nghị quyết số 55/NQ-HĐND đã được chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng lòng, chung sức thực hiện. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, hàng nghìn hộ dân đã tự nguyện hiến trên 103 nghìn m2 đất ở, đất nông nghiệp để xây dựng mới 77 cây cầu, giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tại các thôn, bản khó khăn thuộc 7 huyện, thành phố của tỉnh.
Theo ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang, thời gian tới, tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa phát triển giao thông nông thôn, đặc biệt là với việc xây dựng cầu tại các địa bàn vùng khó. Các địa phương huy động mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, hoàn thành xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn hàng năm theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Địa phương tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở; triển khai việc quản lý, nhất là kiểm soát phương tiện quá tải trọng, tổ chức vệ sinh, bảo trì các tuyến đường giao thông nông thôn, cầu trên đường giao thông nông thôn trên địa bàn theo quy định. Các ngành chức năng tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác để tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn…
Vũ Quang