Thanh Hóa tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản miền núi

Người dân huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa kiểm tra, theo dõi sinh trưởng của cây luồng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Người dân huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa kiểm tra, theo dõi sinh trưởng của cây luồng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Trước đây, vầu và luồng là 2 loại cây trồng chủ lực, từng có thời ăn nên làm ra với thu nhập lên tới hơn 1 triệu đồng mỗi ngày cho đồng bào dân tộc miền núi. Nhưng giờ đây, các hộ dân làm nghề sản xuất, kinh doanh nông sản ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đang gặp khó khăn khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Thanh Hóa tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản miền núi ảnh 1Người dân huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa kiểm tra, theo dõi sinh trưởng của cây luồng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Để khắc phục tình trạng này, UBND các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đang kêu gọi các nhà đầu tư tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tại thị trấn Sơn Lư, huyện biên giới Quan Sơn, nếu như cùng kỳ năm ngoái, các cơ sở chế biến, sản xuất tăm thô từ vầu mỗi tháng sản xuất được 50 tấn thì giờ chỉ còn hơn 10 tấn. Các chủ cơ sở cho biết, sản phẩm sơ chế từ cây vầu năm nay tiêu thụ nội địa rất chậm, đơn hàng xuất khẩu ít mà giá các mặt hàng giảm sâu. Doanh nghiệp đang phải duy trì cầm chừng với vài lao động.

Anh Lê Sỹ Ích, Chủ cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm từ cây vầu, huyện Quan Sơn cho biết, tiêu thị nội địa và xuất khẩu đều chậm, không có đơn hàng nên không dám làm. Vì vậy, xưởng sản xuất chỉ hoạt động cẩm chừng với 4-5 nhân công.

Theo thống kê, toàn huyện Quan Sơn hiện có 60 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản từ cây luồng, cây vầu… Đa phần các cơ sở này hoạt động cầm chừng, số ít thì chưa hoạt động trở lại do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất chậm. Nguyên nhân thực trạng này là do thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ vẫn chưa được phục hồi, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua nguyên liệu nứa, vầu. Ngoài giá bán nguyên liệu thấp, người trồng nứa, vầu ở các huyện miền núi Thanh Hoá còn gặp phải tình trạng cây trồng bị thoái hóa. Nếu không thực hiện chăm sóc, phục tráng, thì nhiều diện tích cây trồng này sẽ bị sụt giảm năng suất, sản lượng khai thác chỉ trong thời gian ngắn.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, ngành nông nghiệp đã tham mưu lãnh đạo huyện, cấp ủy chính quyền hỗ trợ bà con tăng cường trồng trọt, chăn nuôi các cây nông nghiệp chủ lực như cây lúa, cây ngô… để tăng sản lượng lương thực, thực phẩm để có thêm thu nhập. Đồng thời, địa phương kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn, qua đó tạo việc làm từ chế biến lâm sản cho bà con trong thời gian tiếp theo.

Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, dù kinh tế nông nghiệp đang còn khó khăn do khó tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thế nhưng huyện đã lên kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã và người dân tích tụ, tập trung đất đai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư lớn và đã có Vườn trồng cây vải không hạt đầu tiên trên cả nước với diện tích gần 30 ha do Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm triển khai tại xã Nguyệt Ấn.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm cho biết, đơn vị đã quy hoạch lại toàn bộ diện tích trước đây là nông trường, chuyển đổi tập trung phát triển vào nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào một số cây trồng như vải không hạt, cây bơ, cây thanh long. Năm 2023 là năm đầu tiên vải không hạt đơn vị trồng tại Ngọc Lặc được thu hoạch với sản lượng ước đạt hơn 20 tấn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Hiện doanh nghiệp đã xây dựng 2 mô hình tích tụ ruộng đất, phát triển các cây giống mới thay thế cho các cây trồng kém hiệu quả kinh tế, theo hướng công nghệ cao. Những kết quả tích cực này đều là nhờ vào việc phát huy hiệu quả chủ trương tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn của huyện miền núi Ngọc Lặc.

Theo UBND huyện Ngọc Lặc, giai đoạn 2020-2023 huyện đã tích tụ, tập trung được trên 1.800 ha đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, từng bước hình thành những vùng chuyên canh với các loại cây trồng như dứa, mía, sắn dây, cây ăn quả…, giá trị thu nhập đạt từ 200 - 500 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời, thu hút được một số dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy mô lớn.

Theo bà Phan Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, những năm qua để sản xuất nông nghiệp mang giá trị kinh tế cao, UBND huyện đã chỉ đạo bà con và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư vào phát triển nông thôn, sản xuất cây nông nghiệp trên diện tích 14.000 ha, qua đó tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, bao tiêu sản phẩm giúp bà con ổn định sản xuất.

Được biết, tỉnh Thanh Hóa đã có Nghị quyết 192 về hỗ trợ tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn công nghệ cao và Nghị quyết 185 về hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp. Đến nay, việc triển khai hiệu quả chính sách tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp đang là "bàn đạp" để vùng núi Thanh Hóa thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho bà con các dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm