Nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi trồng hộp trắng tại trong phòng lạnh. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Để triển khai dự án này, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học đã khảo sát khu vực miền núi, tìm nơi phù hợp sự sinh trưởng của đông trùng hạ thảo để nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Kết quả cho thấy, đông trùng hạ thảo có điều kiện sống phù hợp với điều kiện tự nhiên ở các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Quan Hóa. Từ kết quả này, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học đã phối hợp với Viện sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng quả thể nấm đông trùng hạ thảo và chế biến sau thu hoạch. Đồng thời, xây dựng nhà xưởng sản xuất, phòng ươm sáng, ươm tối, hệ thống nhà lạnh, giàn giá ươm sợi, hệ thống tưới phun sương tự động, đèn chiếu sáng công nghệ cao.
Hiện nay, dự án đã xây dựng 5 quy trình công nghệ sản xuất nấm đông trùng hạ thảo gồm quy trình sản xuất giống cấp 1, quy trình sản xuất giống dịch thể, quy trình nuôi trồng nấm trên gạo lứt, quy trình nuôi trồng trên nhộng tằm và quy trình chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Hiện dự án đang thực hiện mô hình sản xuất giống nấm và nuôi nấm thương phẩm đông trùng hạ thảo trong phòng lạnh để tiến tới chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, người dân.
Cán bộ nghiên cứu Trung tâm kiểm tra tốc độ sinh trưởng của nấm Đông trùng hạ thảo trong phòng lạnh. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Ông Đỗ Văn Huân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ gửi mầm đông trùng hạ thảo mới sấy khô ra Viện vệ sinh an toàn thực phẩm và Viện thực phẩm chức năng để xác định dược tính, hàm lượng, độ an toàn thực phẩm nhằm tiến tới đăng kí nhãn hiệu rồi bán ra thị trường. Đồng thời, phấn đấu khi kết thúc dự án sẽ nhân được 2.500 ống giống cấp 1, giống cấp 2 đạt 500 lít, đối với nấm sấy khô sẽ sản xuất được 30 kg và nuôi nấm đông trùng hạ thảo trong 20.000 hộp nhựa.
Bà Đỗ Thị Hồng, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học, Chủ nhiệm dự án cho biết: Đông trùng hạ thảo là loài nấm ký sinh thường mọc tại các vùng núi cao trên thế giới. Tại Việt Nam, do nấm đông trùng hạ thảo có giá trị cao nên số lượng nấm mọc tự nhiên bị khai thác nhiều dẫn đến cạn kiệt. Tại một số tỉnh như Thái Bình, Lâm Đồng, nấm đã được nghiên cứu trồng thử nghiệm, tuy nhiên, việc nghiên cứu, sản xuất chưa nhiều nên các sản phẩm vẫn chưa được đa dạng.
Tại Thanh Hóa, một số cơ quan, doanh nghiệp đã nghiên cứu, sản xuất đông trùng hạ thảo, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, hơn nữa nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất lớn nhưng chưa đủ điều kiện để sản xuất. Trong khi đó, người dân vẫn chưa biết nhiều về các sản phẩm làm từ đông trùng hạ thảo, một số người biết nhưng giá thành trên thị trường cao, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng nên không dám mua về sử dụng.
Vì vậy, việc thực hiện dự án là cơ sở để bảo tồn nguồn gen, nuôi trồng tạo thể quả nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể nhân tạo, góp phần đáp ứng nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu bảo vệ sức khỏe của con người.
Nguyễn Nam