Thực tế cho thấy, đa số học sinh dân tộc thiểu số nếu không được hướng nghiệp sớm dễ có tư tưởng bỏ học, ở nhà lập gia đình hoặc lao động tự do. Để từng bước khắc phục tình trạng này, nhiều trường Trung học Phổ thông ở các huyện miền núi xứ Thanh đã làm tốt công tác hướng nghiệp, qua đó tăng tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông lựa chọn đúng hướng đi.
Trường Trung học Phổ thông Bắc Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) luôn chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp và bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo thống kê, trong 5 năm qua, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông chọn học nghề tăng lên; năm 2017 đạt 10-15%, đến năm 2021 là 30%. Điều này cho thấy sự thay đổi trong quan niệm của phụ huynh và học sinh về lựa chọn hướng đi tương lai, phù hợp với thực tế, tránh tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ".
Thầy giáo Trịnh Bá Phòng, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Bắc Sơn chia sẻ, việc lựa chọn đúng nghề luôn là bài toán khó không chỉ đối với mỗi học sinh, gia đình mà cả nhà trường. Đặc biệt đối với trường học ở vùng khó khăn, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tư vấn, hướng nghiệp không chỉ giúp các em lựa chọn ngành nghề theo khả năng, sở thích bản thân mà còn phải phù hợp khả năng tài chính của phụ huynh. Nhờ làm tốt công tác này, nhiều học sinh, phụ huynh đã thay đổi tư duy, lựa chọn con đường học nghề phù hợp bản thân và nhu cầu xã hội.
Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh bậc Trung học Phổ thông là hoạt động cần thiết trong chương trình giáo dục phổ thông. Cùng với những buổi hướng nghiệp trên lớp, nhằm thay đổi tư duy của học sinh, phụ huynh, các giáo viên trong trường đã đến tận nhà, phân tích cho phụ huynh, học sinh hiểu mục đích của việc định hướng nghề nghiệp để sau này các em có công việc, thu nhập ổn định…, thầy Trịnh Bá Phòng cho biết thêm.
Nhờ được định hướng nghề nghiệp, em Bùi Thị Nga, học sinh Trường Trung học Phổ thông Bắc Sơn (Ngọc Lặc) đã lựa chọn học nghề, chuẩn bị "hành trang" cho tương lai. Em cho biết, từ thực tế cuộc sống và được thầy cô trong trường tư vấn, định hướng nghề nghiệp, căn cứ năng lực, sở thích của bản thân, em đã chọn hướng đi du học tại Nhật Bản chuyên ngành điều dưỡng thay vì đăng ký thi đại học. Lựa chọn này được bố mẹ ủng hộ khiến em rất thoải mái và tự tin.
Bá Thước là một trong những huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khó khăn về điều kiện địa hình, khí hậu. Do vậy, định hướng nghề nghiệp cho học sinh nơi đây mang đặc thù riêng.
Theo cô giáo Hà Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Bá Thước, trường có gần 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế, nhiều phụ huynh không biết chữ. Để định hướng nghề cho các em, nhà trường thành lập tổ tư vấn gồm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách hướng nghiệp, Bí thư Đoàn trường, cán bộ quản lý. Tất cả cùng vào cuộc, thuyết phục phụ huynh, khuyên nhủ các em.
Hiện nay, địa phương thiếu nhiều giáo viên mầm non, tiểu học, nhà trường động viên các em đi học những ngành nghề này. Nhà trường căn cứ năng lực, tính cách của các em để định hướng nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, Bá Thước phát triển du lịch cộng đồng, nhà trường định hướng cho các em đi theo học nghề nấu ăn, dọn dẹp phòng… Thực tế cho thấy, việc tư vấn hướng nghiệp mang lại hiệu quả cao khi hầu hết học sinh đi theo định hướng của thầy cô đã rất thành công. Ngay sau khi ra trường, các em có việc làm ổn định, thu nhập khá, cô Hà Thị Thu cho biết thêm.
Theo thống kê, số học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng. Nếu như năm 2020 có gần 883 học sinh đến năm 2021 tăng lên 1.384 em. Bên cạnh đó, gần 2.000 học sinh học các lớp học nghề ngắn hạn như may công nghiệp, hàn, sửa chữa máy móc nông nghiệp... Qua đó cho thấy, công tác tư vấn, hướng nghiệp đạt những kết quả đáng ghi nhận, số học sinh sau khi tốt nghiệp tham gia học nghề tăng dần qua các năm.
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho rằng, con đường học nghề không phải là lựa chọn dễ dàng với những người trẻ vừa bước qua bậc học Trung học Phổ thông nhưng chắc chắn cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn. Vì vậy, nhà trường cần làm tốt việc tư vấn, hỗ trợ phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp để con em mình có quyết định đúng đắn trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các Trường Trung học Phổ thông, nhất là ở khu vực miền núi làm tốt hơn nữa công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh, từng bước khắc phục tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ"…
Khiếu Tư