Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phát động, nhiều thanh niên với ý chí, khát vọng đã tận dụng nhiều diện tích đất khô cằn sỏi đá để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp thanh niên vươn lên làm giàu ngay tại địa phương.
Anh Vi Văn Đợi, Bí thư Chi đoàn khu phố 4, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát là minh chứng cụ thể về tinh thần dám nghĩ, dám làm của thanh niên vùng cao. Anh Đợi sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, anh phải đi làm thuê khắp nơi mới có đủ tiền trang trải cuộc sống. Năm 2020, sau khi được Huyện đoàn Mường Lát tư vấn về phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi, anh Đợi quyết định thực hiện mô hình trồng rừng kinh tế phòng, chống thiên tai kết hợp chăn nuôi. Anh vay vốn người thân, ngân hàng để nhập các giống cây xoan, lát, keo; đồng thời nhập thêm giống gà, bò kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng.
Với nhận thức là một thanh niên sinh ra tại địa bàn hay xảy ra mưa lũ, anh Đợi đã trồng rừng xoan, lát trên những đồi trọc để góp phần điều hòa nguồn nước, hạn chế xói mòn đất và lũ ống, lũ quét. Nhờ kiên trì, chịu khó, khu rừng trồng và trang trại chăn nuôi của gia đình anh ngày một phát triển với tổng diện tích khoảng 40 ha, bao gồm 20 ha trồng cây lát, 10 ha cây keo, 40 con bò sinh sản, 200 con gà, 4 ha trồng cây măng Bát độ, cùng nhiều loài cây khác như ngô, sắn, chuối… Hiện, gia đình anh có thu nhập bình quân 300-400 triệu/năm, tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương 4 triệu/người/tháng.
Sản phẩm măng khô, măng tươi, măng trúc, măng hốc và các loại ngô bắp, ngô hạt của gia đình anh được bán tại Hà Nội, Hải Dương và Thanh Hóa luôn đảm bảo an toàn và được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh cũng cấp giống sắn, giống ngô cho bà con, bao tiêu sản phẩm từ cây ngô, cây sắn cho người dân địa phương.
Bên cạnh làm kinh tế giỏi, anh Vi Văn Đợi còn là Bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt tình. Mỗi khi có mưa bão, anh cùng lực lượng thanh niên giúp bà con gia cố nhà cửa. Anh cũng luôn hướng dẫn nhiều thanh niên khác khởi nghiệp, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ những thành tích này anh đã nhận được nhiều giấy khen của Huyện đoàn, Thị đoàn Mường Lát về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát cho biết, do điều kiện khắc nghiệt, địa hình hiểm trở nên nhiều thanh niên luôn gặp khó khi bắt đầu khởi nghiệp. Thời gian tới, huyện đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa các đoàn viên, thanh niên phát triển các mô hình kinh tế, nhất thanh niên người dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái tại các bản nghèo biên giới.
Chị Trần Thị Hương, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa cũng là một điển hình vươn lên làm giàu tại quê hương. Sau khi tốt nghiệp Viện Đại học Mở Hà Nội năm 2013, chị đã khởi nghiệp và thất bại. Năm 2016, chị quyết định khởi nghiệp bằng ngành nghề xây dựng hồ bơi, đài phun nước, sân vườn, đồng thời thực hiện thêm lĩnh vực bất động sản.
Tới nay, mô hình này đang mang lại hiệu quả và cho thu nhập cao. Cơ sở kinh doanh của chị phát triển 3 ngành nghề là xây dựng, thương mại đồ uống và bất động sản. Hiện, chị Hương đã thành lập Công ty cổ phần thương mại và đầu tư bất động sản Minh Hương, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức lương 7-15 triệu, doanh thu 21 tỷ đồng/năm.
Năm 2023, chị Hương vinh dự được nhận giải thưởng top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp toàn quốc do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức.
Theo thống kê của Tỉnh đoàn Thanh Hóa, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình, phong trào, hoạt động thiết thực như phong trào Phát triển kinh tế trong thanh niên, mô hình Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên. Trong đó có 800 mô hình Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp, hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp đã được hiện thực hóa trong thực tiễn, phát triển thành những cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa khẳng định, phong trào khởi nghiệp đã có sức lan tỏa trong đoàn viên thanh niên, xuất hiện những tấm gương thanh niên đi đầu trong khởi nghiệp, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy và khích lệ các thế hệ thanh niên về ý thức lập thân, lập nghiệp, chú trọng khởi nghiệp tại quê hương; đồng thời, nhân rộng các mô hình Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp, kết nối tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vốn vay ưu đãi cho thanh niên làm kinh tế.
Nguyễn Nam-Khiếu Thư