Tết Nguyên đán Quý Mão đã cận kề. Đây là thời điểm các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tăng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những chủ sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Và trên hết là ý thức của người sản xuất, kinh doanh.
Những ngày này, tại cơ sở sản xuất giò lụa Hưng Anh, huyện Yên Định luôn nhộn nhịp không khí sản xuất. Bên trong cơ sở, hàng chục công nhân, mỗi người một việc đang miệt mài với những công đoạn để cho ra đời những chiếc giò, nem đạt chất lượng nhất. Năm nay, mặc dù kinh tế nhiều khó khăn nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng tiêu thụ của cơ sở vào dịp Tết.
Theo chị Nguyễn Thị Anh, chủ cơ sở giò và nem chua Hưng Anh, năm nay sản phẩm giò lụa của cơ sở được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được quảng bá, nhiều người biết đến nên sản lượng tiêu thụ cao hơn mọi năm. Mặc dù đơn hàng tăng đột biến, nhưng vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được cơ sở quan tâm và thực hiện nghiêm ngặt. Thịt làm giò được cung cấp bởi cơ sở giết mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo tươi, sạch, có nguồn gốc, xuất xứ. Thịt được chế biến trong ngày và bảo quản cẩn thận trong kho lạnh. Trước đây giò thường được luộc bằng bếp củi, bếp than, tuy nhiên cách luộc này không đảm bảo và giò không được chín đều. Do vậy, để đảm bảo chất lượng thực phẩm, cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua lò hơi và máy hút chân không để bảo quản giò, nem…
“Toàn bộ lao động làm trong cơ sở đều được tập huấn về an toàn thực phẩm; khi chế biến đều có bao tay, khẩu trang và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình… Cơ sở chúng tôi luôn lấy chất lượng sản phẩm để khẳng định thương hiệu nên dù khách đông như thế nào thì chúng tôi cũng luôn cam kết đưa sản phẩm đảm bảo, an toàn nhất đến tay người tiêu dùng…”, chị Anh chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định cho biết, trên địa bàn huyện có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Dịp giáp Tết là thời điểm kinh doanh buôn bán sôi động nhất trong năm nên nhiều cơ sở cũng tăng sản lượng và có những hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch đưa ra thị trường, dịp Tết Quý Mão, địa phương đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong linh vực này. Qua đó tăng cường công tác tuyên truyền để chủ các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định; đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo tính răn đe.
Gia đình bà Lê Thị Lan, tại thôn 2, xã Cổ Tế, huyện Thạch Thành đã sản xuất bánh lá qua nhiều thế hệ. Cách đây 10 năm, nắm bắt xu thế của thị trường, bà bắt đầu làm bánh để bán. 3-4 năm gần đây, bà quyết định mở rộng quy mô sản xuất, tập trung xây dựng thương hiệu bánh lá Lan Như - Cổ Tế. Hiện nay, mỗi ngày, tổ hợp tác của bà xuất ra thị trường 1.500-2.000 bánh. Thương hiệu bánh lá Lan Như - Cổ Tế đã hoàn thiện xong những thủ tục cuối cùng và được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Những ngày giáp Tết này, tại tổ hợp tác sản xuất bánh lá Lan Như, hơn 20 lao động là các bác, các chị miệt mài làm việc từ sáng sớm đến tối muộn nhưng cũng không kịp các đơn hàng. Từ khi sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, các khâu trong quá trình chế biến đều được cơ sở thực hiện nghiêm ngặt.
Bà Lê Thị Lan, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa cho biết, cuối năm các sự kiện trên địa bàn khá nhiều nên hơn 20 lao động tại tổ làm không hết việc; ngoài ra, cận Tết người dân cũng đặt nhiều để gửi cho con cháu ở xa ăn Tết. Chúng tôi đã mất hơn 10 năm để xây dựng thương hiệu nên mọi khâu chế biến đều được chị em trong tổ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bánh được làm từ gạo xi 23 (loại gạo cho ra những chiếc bánh dẻo, không bị nát) để làm bánh. Thịt làm nhân bánh được lấy từ cơ sở giết mổ có giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc và được chế biến trong ngày; không sử dụng thịt đông lạnh, không rõ nguồn gốc…
Nhờ đó, bánh lá Lan Như – Cổ Tế giờ đây không chỉ bán cho người dân địa phương mà đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành, trở thành món quà biếu tặng giản dị nhưng ý nghĩa. Những chiếc bánh cũng dần theo chân khách du lịch, đưa hương vị xứ Thanh đến nhiều vùng miền trong cả nước.
Ông Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, Thanh Hóa cho biết, làng Cổ Tế, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành nổi tiếng với nghề làm bánh lá truyền thống. Bánh lá được người dân trong xã làm quanh năm để phục vụ các nhà hàng và đình, đám trong xã; tuy nhiên cận Tết nguyên đán hằng năm là thời điểm sản xuất sôi động nhất. Để cho ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng, địa phương luôn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất trước, trong và sau Tết Nguyên đán, qua đó xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất không đảm bảo quy định…
Tết Nguyên đán Quý Mão đang cận kề, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sẽ từng bước làm thay đổi ý thức, hành vi trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn, qua đó bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Khiếu Tư - Nguyễn Nam