Tỉnh Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2012-2023, từ đó góp phần nâng cao nhận thức người dân miền núi trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều hộ dân miền núi xứ Thanh đã có việc làm kết hợp thực hiện các mô hình sinh kế để tạo thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo
Tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, huyện miền núi Quan Hóa, hiện có 27.300 ha là diện tích rừng thuộc diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng. Những năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã khoán hợp đồng bảo vệ cho 48 cộng đồng thuộc thôn bản và 16 hộ thuộc vùng đệm khu bảo tồn với số tiền gần 5 tỷ đồng. Qua đó, an ninh rừng được đảm bảo, số hộ xâm lấn nương rẫy không có, những vụ khai thác rừng trái phép đã giảm hẳn, người dân được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Là người được nhận khoán 300 ha rừng từ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, anh Đình Văn Cấp, bản Chiềng, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa cho biết, cứ mỗi đợt cao điểm anh Cấp luôn phối hợp với cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra, phát quang bụi rậm phòng chống cháy rừng, tuyên truyền cho cộng đồng thôn, bản về việc chung tay bảo vệ, đảm bảo an ninh rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên.
Bên cạnh đó, mỗi năm anh Cấp được chính sách dịch vụ môi trường rừng hỗ trợ 8 triệu đồng, từ nguồn vốn này anh đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế. Thu nhập đạt 70 triệu đồng/năm.
Ông Đàm Duy Đông, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cho biết, qua 11 năm thực hiện chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng, nhận thức người dân về bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên. Tại các khu vực dân cư gần khu bảo tồn người dân đã hiểu rõ và luôn phối hợp với kiểm lâm viên chung tay giữ vững an ninh rừng. Nhiều hộ dân đã được tạo sinh kế, có việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tại Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, đơn vị được giao quản lý hơn 16 ha rừng với tổng diện tích tham ra dịch vụ môi trường rừng hơn 12.000 ha, với 1.040 hộ nhận khoán. Nếu như năm 2012 đơn giá dịch vụ môi trường rừng là 6.900 đồng, thì đến nay đơn giá thuộc lưu vực sông Lò đã tăng lên 45.500 đồng, lưu vực sông Luồng hơn 24.000 đồng, hàng năm người dân được thanh toán một lần vào cuối năm.
Được giao khoán 30 ha đất rừng tại tiểu khu 377 từ năm 2016 của Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, ông Bùi Văn Dương, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn đã tích cực tham gia bảo vệ rừng, với số tiền hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng, kết hợp thu mua lâm sản phụ được 20 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông Dương cũng trồng thêm rừng kinh tế và chăn nuôi, thu nhập đạt 70 triệu đồng/năm.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, để làm tốt chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý đã chỉ đạo các hộ nhận khoán thực hiện tốt bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần bảo vệ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ, hộ gia đình tăng nguồn thu nhập, thúc đẩy người dân bảo vệ và chăm sóc rừng tốt hơn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2012-2023, quỹ bảo vệ phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh đã thu được 148 tỷ đồng, thực hiện chi trả môi trường rừng trên 400.000 ha/9 huyện miền núi, với 22 chủ rừng tổ chức; 516 cộng đồng dân cư thôn bản và trên 2.500 hộ gia đình cá nhân được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Cùng với đó, Ban quản lý quỹ phối hợp với UBND các huyện, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng tổ chức được 12 cuộc hội nghị ở cấp huyện và tập huấn nghiệp vụ về công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Đồng thời, tổ chức các cuộc họp tại 88 xã và khu vực do 22 chủ rừng quản lý để rà soát, xác định diện tích rừng được chi trả.
Ông Hà Minh Tâm, Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa khẳng định, việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng đang góp phần đảm bảo an ninh rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm thu nhập, giúp người dân miền núi phát triển nông thôn.
Thời gian tới, Ban quản lý quỹ sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đúng đối tượng, đúng diện tích, đảm bảo công bằng, công khai, giúp người dân có thêm nguồn vốn để phát triển các mô hình sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi. Đồng thời, rà soát đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng để kí kết hợp đồng và chi trả, giám sát việc chi trả của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và các chủ rừng tổ chức.
Nguyễn Nam