Thanh Hóa cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh tại các trường dân tộc nội trú

Cuối tháng 12/2023, Chính phủ và UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản về tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em Mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua thanh, kiểm tra, việc tổ chức bữa ăn cho học sinh các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vi phạm. Hiện, các nhà trường đang nỗ lực khắc phục để nâng cao cao hơn nữa chất lượng bữa ăn cho học sinh.

vna_potal_thanh_hoa_dam_bao_an_toan_thuc_pham_cho_hoc_sinh_an_ban_tru_7079477.jpg
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Hà (Quan Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: TTXVN phát

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Quan Sơn là trường chuyên biệt, không chỉ dạy văn hóa mà còn là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Mường, Mông. Các em học tập và sinh hoạt tập trung tại trường. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh nội trú. Từ nguồn hỗ trợ 1.140.000 đồng/tháng tiền ăn của Nhà nước, bữa ăn của học sinh ở trường có thịt, cá, trứng (tùy bữa) với mức giá từ 40-45.000 đồng/học sinh/ngày.

Để tạo sự minh bạch, công khai trong tổ chức bữa ăn cho học sinh, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã thành lập đoàn (có đại diện cha mẹ học sinh) đi khảo sát thị trường giá cả khu vực thị trấn, chọn nhà cung cấp thực phẩm có uy tín, giá cả phải chăng, sau đó tổ chức bữa ăn cho học sinh theo thỏa thuận đã được khảo sát.

Ngoài công khai về giá, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mỗi bữa ăn cũng được nhà trường chú trọng. Theo đó, nhà trường luôn tuân thủ quy trình 3 bước kiểm duyệt, chế biến, lưu mẫu trong chế biến thức ăn. Thực đơn của học sinh được thay đổi mỗi ngày và công khai đến phụ huynh.

Hằng ngày, thành viên Ban Giám hiệu nhà trường có mặt tại nhà bếp để giám sát nguồn thực phẩm, khâu chế biến, nấu ăn, thăm dò ý kiến học sinh về bữa ăn và động viên các em ăn hết suất cơm của mình. Trong tháng, nhà trường công khai với phụ huynh số ngày ăn cơm bán trú của học sinh. Em nào không ăn đủ 30 ngày trong tháng, nhà trường sẽ trả lại tiền ăn minh bạch… - Thầy giáo Lê Duy Dũng, hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Quan Sơn cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn, toàn huyện hiện có 1 trường dân tộc nội trú và 7 trường dân tộc bán trú. Hằng ngày, các trường tổ chức hàng trăm suất ăn cho học sinh. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Phòng thường xuyên kiểm tra, giám sát bữa ăn của học sinh ở các đơn vị. Mặc dù còn một vài tồn tại hạn chế, xong các nhà trường đang nỗ lực để đem đến cho học sinh bữa ăn đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng và công khai, minh bạch để phụ huynh an tâm gửi gắm con em tại trường.

Đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Mường Lát khi học sinh chuẩn bị giờ ăn trưa. Sau một hồi trống, các em xếp thành từng hàng ngay ngắn, lần lượt vào nhà ăn nhận các suất ăn nóng hổi. Toàn bộ thức ăn được sắp xếp trong những khay inox sạch sẽ, sáng bóng. Bữa cơm hôm nay có thịt kho, rau cải xào, trứng rán…

Em Lù Thị Mến, học sinh lớp 8 cho biết, em ăn, ở nội trú tại trường từ năm lớp 6, ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường rất quan tâm tới bữa ăn của học sinh. Nhà ăn được đầu tư khang trang, các suất cơm được đựng trong khay sạch sẽ. Thực đơn hằng ngày đều được thay đổi nên chúng em ăn rất vừa miệng. Vào những ngày mùa Đông, nhà trường đều đảm bảo có đồ ăn nóng sốt,…

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Mường Lát hiện có 238 học sinh là người dân tộc thiểu số. Hầu hết các em đều ăn, ở và học tập tại trường. Từ hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường đã cân đối để tổ chức bữa ăn cho học sinh với mức ăn sáng 9 nghìn đồng/bữa; ăn trưa 16 nghìn đồng/bữa; ăn tối 16 nghìn đồng/bữa. Tùy theo giá cả thị trường, trường có sự điều chỉnh món ăn hằng ngày, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, không lặp lại để không bị nhàm chán. Nhà trường giao trách nhiệm cụ thể cho 5 đồng chí trong Chi ủy, phân công từng người chịu trách nhiệm giám sát bữa ăn của học sinh, từ khâu nhận nguyên liệu, chế biến và lưu mẫu. Nguồn thực phẩm phục vụ bếp ăn bán trú cho học sinh được nhà trường ký hợp đồng nhập từ nhà cung cấp có đủ hồ sơ pháp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý.

Theo thầy giáo Trịnh Xuân Tâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Mường Lát, để nấu được bữa cơm ngon, no bụng, đảm bảo sức khỏe để các em học tập, tập thể Ban Giám hiệu phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, công khai, minh bạch nguồn kinh phí tiền ăn và xem học sinh như con của mình.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Sở vừa tổ chức đoàn kiểm tra tại 8 trường ở các huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Như Xuân. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú.

Theo đó, cơ quan chức năng xác định, các nhà trường phân công một cán bộ quản lý được tập huấn về an toàn thực phẩm phụ trách việc tổ chức bếp ăn cho học sinh nhưng chưa được đào tạo, tập huấn về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em; chưa thành lập bộ phận chăm sóc, nuôi dưỡng và xây dựng thực đơn hằng ngày cho học sinh. Ngoài ra, định mức suất ăn đã được các trường thống nhất với Ban Đại diện cha mẹ học sinh, tuy nhiên còn thấp, khó đảm bảo. Khu vực nhà ăn của một số trường không có bảng nội quy; kho bảo quản thực phẩm sắp xếp lộn xộn. Một số khung cửa nhà ăn, nhà bếp hư hỏng, không có lưới chắn côn trùng; khu vực sơ chế, chế biến chật hẹp, chưa đảm bảo vệ sinh… Tại thời điểm kiểm tra, các trường không cung cấp hồ sơ, giấy tờ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân viên nấu ăn ở một số trường chưa thực hiện đúng trang phục bảo hộ theo quy định...

Khiếu Tư - Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm