Thái Nguyên phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc

Thái Nguyên phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023 trên địa bàn tỉnh, hơn 5.800 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; 5 xóm, bản ở huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ được triển khai dự án ổn định dân cư tập trung. Hơn 7.300 ha rừng tại huyện vùng cao Võ Nhai và trên 430 ha rừng tại huyện Đồng Hỷ đã được hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, trên 6.900 ha rừng tại huyện Định Hóa và huyện Võ Nhai được hỗ trợ bảo vệ rừng.

Thái Nguyên phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc ảnh 1Hợp tác xã Tân Hoàng Trà ở tổ dân phố 5, thị trấn sông Cầu, huyện Đồng Hỷ có 60 hộ tham gia sản xuất chè VietGap trên diện tích hơn 65 ha, đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 96 công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực dân tộc với tổng kinh phí thực hiện gần 100 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân các huyện thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 16 nhà văn hóa, khu thể thao tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai các hoạt động về "Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số”...

Với nguồn lực đầu tư tập trung, trọng điểm, đến nay, 100% xã ở Thái Nguyên đã có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% xóm thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh tại những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế, trong đó có có trên 90% số trạm y tế xã có bác sỹ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại. Dự ước năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thái Nguyên giảm 2,01%; toàn tỉnh giảm thêm 5 xã đặc biệt khó khăn, huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới...

Thái Nguyên phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc ảnh 2Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của Thái Nguyên đạt trên 36.000 tỷ đồng, hỗ trợ trên 730.000 tấn xi măng cho các địa phương để xây dựng, cải tạo trên 9.000 km đường giao thông, 470 km kênh mương thủy lợi, xây dựng mới được hơn 1.000 công trình nhà lớp học,132 Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã, 1.281 nhà văn hoá xóm… Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Ông Phan Đức Cường, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, cho biết các chương trình, chính sách dân tộc đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng, hướng tới mục tiêu phát triển, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hướng đến những người yếu thế trong xã hội, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo cho vùng đồng bào các dân tộc và miền núi của tỉnh. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, thủy lợi ... tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

Thái Nguyên phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc ảnh 3Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân tiếp tục được các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện cùng với sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường...

Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” và các chính sách dân tộc đang còn hiệu lực, đôn đốc các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao.

Các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện tốt các dự án thuộc chương trình như: Giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm