Quản lý dinh dưỡng cây trồng để hạn chế suy thoái đất

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề án với mục tiêu ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

vna_potal_ninh_thuan_chuyen_doi_cay_trong_thich_ung_nang_han_7464559.jpg
Người dân xã Phước Ninh (huyện Thuận Nam) triển khai mô hình chuyển đổi cây măng tây trên đất ruộng trong vụ Hè Thu 2024. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Đề án sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng. Theo đó sẽ thống nhất hệ thống phân loại đất với bộ chỉ tiêu đánh giá chất lượng đất trong toàn quốc; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sức khỏe đất trồng trọt và chất lượng phân bón. Cùng với đó là kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống phòng thí nghiệm, cả thiết bị và phương pháp phân tích về đánh giá đất và chất lượng phân bón phục vụ quản lý về sức khỏe đất trồng trọt và chất lượng phân bón.

Đề án sẽ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất trồng trọt và công cụ khai thác trực tuyến cho các cây trồng chủ lực (lúa, rau, ngô, sắn, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, cao su, cây ăn quả, dừa, hoa và cây cảnh) theo Chiến lược Phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên các loại đất chính; bộ cơ sở dữ liệu về sử dụng phân bón và công cụ khai thác trực tuyến cho các cây trồng chủ lực trên các loại đất chính gắn với số hóa.

Ngành nông nghiệp xây dựng bộ chỉ tiêu và phân cấp chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất trồng trọt gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng; xây dựng, hoàn thiện quy trình canh tác hợp lý gắn với sử dụng phân bón hiệu quả, giảm thất thoát dinh dưỡng trên loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực, góp phần ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh vật có ích, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và sự quan tâm của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng từ Trung ương đến địa phương.

Để thực hiện đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra 8 nhóm giải pháp. Đó là: cơ chế, chính sách; khoa học, công nghệ và khuyến nông; chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng; thông tin, truyền thông; đào tạo, tập huấn; hợp tác công tư; hợp tác quốc tế; thanh tra, kiểm tra và đánh giá, giám sát.

Riêng về chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng, ngành nông nghiệp sẽ phát triển và hướng đến đồng bộ hóa các công cụ phục vụ chuyển đổi số các cơ sở dữ liệu về dinh dưỡng dất, sử dụng đất trồng trọt, phân bón thống nhất từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu về quản lý, hỗ trợ công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, nhu cầu tra cứu thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân.

Ngành nông nghiệp khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận về cách ứng dụng công nghệ cao để chuyển giao công nghệ về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng (chẩn đoán thiếu hụt dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng phân bón và cải tạo đất…) cho cây trồng của nông hộ.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm