Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Quân Trang - TTXVN |
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhận thức của chính quyền các cấp về công tác dân tộc được nâng lên rõ rệt; đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Hệ thống chính sách dân tộc được thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, chuyển dần từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã thay đổi căn bản theo hướng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Số xã đặc biệt khó khăn giảm dần qua từng giai đoạn.
Hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng, củng cố, hoạt động có hiệu quả. Năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ vùng dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc. Chương trình 135 và các chính sách dân tộc khác được thực hiện tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã góp phần xóa đói, giảm nghèo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã hưởng Chương trình 135 giảm nhanh, so với mức bình quân chung của tỉnh (giảm gần 5%/năm), kết cấu hạ tầng vùng dân tộc được quan tâm đầu tư xây dựng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc tặng quà cho người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Quân Trang - TTXVN |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân tộc tại tỉnh Thái Nguyên còn có một số hạn chế như: việc triển khai các chủ trương, chính sách về dân tộc và tôn giáo có lúc chưa kịp thời, thường xuyên. Việc giải ngân nguồn lực cho các chương trình, dự án còn chậm, ảnh hưởng với việc thực hiện. Việc lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách còn khó khăn, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có tính đột phá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở còn hạn chế, cấp xã không có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác dân tộc…
Dịp này, tỉnh Thái Nguyên đã trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác dân tộc năm 2018; trao quà tặng 9 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số do tỉnh quản lý.
Thu Hằng