Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Thái Nguyên về chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung xây dựng kế hoạch chuyển đổi số và bước đầu triển khai trên cơ sở đồng bộ, thống nhất cách thức thực hiện với chương trình của tỉnh.
Trong việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, Thái Nguyên đang triển khai tiêu chí trên 80% dịch vụ công mức độ 4 được công bố, thực hiện trên cổng dịch vụ công của tỉnh, vận hành và duy trì tốt hệ thống quản lý văn bản đi đến, điều hành tỉnh, thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với 3 hệ thống nền tảng là cổng thông tin điện tử, mạng truyền số liệu chuyên dùng và hội nghị truyền hình.
Tỉnh cũng triển khai thí điểm trung tâm điều hành thông minh (IOC) Thái Nguyên với nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành như: Trang nền tảng điều khiển và hệ thống công nghệ hiện đại do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cung cấp; hệ thống phản ánh hiện trường, hiện ứng dụng trên điện thoại cho người dân (C-ThaiNguyen); hệ thống hồ sơ sức khỏe toàn dân, triển khai tích hợp 23 camera tại các địa phương làm nền tảng để giám sát, phát hiện vấn đề về an ninh trật tự...
Thái Nguyên tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn, trung tâm giáo dục - đào tạo trong xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...
Đối với phát triển kinh tế số, bước đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh thực hiện thí điểm giải pháp quản lý cây thông minh, xây dựng hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên bản đồ số, xây dựng, đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên, phần mềm quản lý chương trình OCOP theo yêu cầu.
Ngành Công Thương triển khai giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử thông qua sàn giao dịch điện tử tỉnh Thái Nguyên, thu hút gần 1.000 doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, ngành xây dựng website cho sản phẩm chè - sản phẩm thế mạnh của tỉnh, tích hợp truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm, góp phần bảo vệ thương hiệu "Chè Thái Nguyên" trên thị trường.
Đặc biệt, Điện lực Thái Nguyên đã trở thành đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số từ quản lý vận hành đến phát triển khách hàng với 100% số trạm biến áp 110kV được điều khiển từ xa, thay thế trên 200.000 công tơ điện tử, đạt hơn 50% tổng số công tơ trên địa bàn. Điện lực Thái Nguyên cũng thực hiện dịch vụ cấp điện mới cho khách hàng 100% qua phương thức điện tử, sử dụng chữ ký số với cả bên mua và bên bán điện...
Trong phát triển xã hội số, 100% các cơ sở giáo dục đều có đường truyền internet, hạ tầng mạng LAN, phòng máy bảo đảm tối thiểu hạ tầng công nghệ thông tin triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. 100% các trường thực hiện khai thác ứng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học.
Ngành Y tế thực hiện quản lý hồ sơ công việc, điều hành thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan, kết nối liên thông đến phần mềm quản lý văn bản của các đơn vị trực thuộc, triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin y tế đến 178 trạm y tế. Ngoài ra, 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn...
Theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, để triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, tỉnh đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Đề án xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, tập trung nâng cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo danh mục đã được phê duyệt, đảm bảo đạt trên 80%.
Thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành phố thông thông minh như Nghị quyết của Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đề ra.
Hoàng Thảo Nguyên