Chuyển đổi số - cơ hội hướng tới nền y tế thông minh

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực y tế.

Chuyển đổi số - cơ hội hướng tới nền y tế thông minh ảnh 1  Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của ngành Y tế, ngành Thông tin và Truyền thông, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu giúp ngành Y tế ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điều hành, phòng và khám chữa bệnh cho nhân dân. Hội nghị này là dấu mốc để xác định những định hướng chuyển đổi số trong ngành Y tế.

Theo Phó Thủ tướng, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành và khám chữa bệnh đã được ngành y tế theo đuổi nhiều năm và đến nay đã thu được một số kết quả. Nhưng chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, ngành y tế cần tiếp tục có cách làm sáng tạo, tậ

Chuyển đổi số - cơ hội hướng tới nền y tế thông minh ảnh 2 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai trương Mạng kết nối y tế Việt Nam, Nền tảng Hồ sơ sức khoẻ điện tử và Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20. Ảnh: Tiến Tuấn - TTXVN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định cần phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi ngõ ngách của đời sống. Đối với ngành Y tế, công nghệ thông tin là công cụ không thể thiếu và hữu hiệu trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh. Song muốn thực hiện tốt chuyển đổi số ngành Y tế, ngoài việc xác định mục tiêu, hướng đi, cần có hành lang pháp lý, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách và tài chính.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng chuyển đổi số cần thực sự thiết thực, giải quyết những bài toán cụ thể, tạo ra nền tảng chung để triển khai đồng bộ. Trong điều kiện kinh phí chăm sóc sức khoẻ cho mỗi người dân của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác, ngành Y tế cần đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống tư vấn sức khỏe tự động cho người dân để phòng bệnh và tự chăm sóc mình. Đồng thời, ngành đẩy mạnh khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, làm thế nào để người dân tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh, không phải ồ ạt lên tuyến trên. Bên cạnh đó, mỗi người dân đều mong muốn được quản lý sức khỏe nên việc lập hồ sơ điện tử sức khoẻ toàn dân, kết nối trên toàn quốc được đẩy nhanh sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm qua, dù phải chống với dịch COVID-19 nhưng ngành Y tế vẫn nỗ lực chuyển đổi số, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trong lĩnh vực hành chính, 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Toàn bộ văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số. Bộ đã vận hành ứng dụng theo dõi tiến độ, chất lượng xử lý văn bản, các điểm khúc mắc trong xử lý văn bản.

Về lĩnh vực công khai y tế, tháng 11/2020, Bộ Y tế lần đầu tiên khai trương Cổng Công khai y tế, minh bạch toàn bộ dịch vụ ngành Y tế cung ứng cho người dân. Sắp tới, Bộ sẽ từng bước công khai tất cả điểm bán lẻ dược phẩm, giá thực phẩm chức năng, giúp người dân dễ dàng tra giá thuốc, so sánh giá bán tại các cửa hàng để có lựa chọn phù hợp nhất.

Trong phòng, chống dịch COVID-19, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn COVID-19… Nhờ đó, đến nay, Việt Nam là một trong những nước chống dịch COVID-19 thành công nhất với mô hình tiết kiệm, hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, cũng trong đại dịch COVID-19, chỉ sau 45 ngày, Việt Nam đã khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa và hiện số lượng bệnh viện tham gia mạng lưới này vượt trên 1.500 cơ sở, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại tuyến dưới. Trong mục tiêu chuyển đổi số y tế đến năm 2025, 100% cơ sở y tế sẽ tham gia khám chữa bệnh từ xa, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân.

Với hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân, trước đây, nhiều tỉnh có phần mềm nhưng không được bổ sung, cập nhật, không được cơ quan y tế sử dụng. Để khắc phục, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thiết lập gần 98 triệu hồ sơ sức khỏe với 42 chuyên khoa điều trị ngoại trú. Từ tháng 7/2021, tất cả trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ phải có hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân, nếu không có sẽ không được thanh toán bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, mục tiêu của ngành Y tế là xây dựng nền y tế thông minh để các cơ sở y tế dành thời gian cho khám chữa bệnh chứ không phải dành thời gian cho thủ tục, giấy tờ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực đầu tiên được ưu tiên chuyển đổi số do liên quan đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất. Đây cũng là hai lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi chuyển đổi số, hàng trăm ngàn bác sĩ có thể kết nối với các hộ gia đình thực hiện khám bệnh từ xa, dần dần tiến tới bác sĩ gia đình kiểu mới. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình chuyển đổi số. Bộ Y tế đặt hàng để Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của lĩnh vực y tế. Việt Nam có một lực lượng các doanh nghiệp công nghệ số hùng hậu, với gần 60.000 doanh nghiệp và trên 1 triệu lao động, sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành Y tế.

Nhân dịp này, Bộ Y tế chính thức khai trương "Nền tảng hồ sơ sức khỏe cá nhân", "Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20" và "Mạng kết nối y tế Việt Nam".

Ứng dụng V20 sẽ tạo ra thay đổi toàn diện cho gần 12.000 trạm y tế trên khắp cả nước. Trước đây, mỗi trạm y tế tốn 50-70% thời gian để viết, báo cáo dữ liệu giấy, giờ sẽ sử dụng duy nhất một phần mềm. Từ tháng 1/2021 sẽ bắt đầu áp dụng trên toàn quốc.

Mạng kết nối y tế Việt Nam là mạng xã hội đầu tiên và dành riêng cho ngành Y tế; hướng đến mục tiêu tăng cường kết nối, chia sẻ, hỗ trợ hoạt động đào tạo chuyên môn của hơn 500 nghìn cán bộ y tế trên toàn quốc. Mạng kết nối y tế sẽ tích hợp toàn bộ thông tin liên quan đến bệnh án, đơn thuốc, hình ảnh, xét nghiệm… để các cán bộ y tế có thể chia sẻ, đào tạo và hỗ trợ chuyên môn. Mục tiêu đặt ra là một bác sĩ tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 nhân viên y tế tuyến huyện và hai nhân viên y tế tuyến xã, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn.

Nền tảng Hồ sơ sức khỏe cá nhân được xây dựng với mục tiêu thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người dân trên một nền tảng, chăm sóc sức khỏe người dân trọn đời, từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra và mất đi. Toàn bộ dữ liệu sức khỏe của người dân được liên kết từ các cơ sở khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ đó hình thành và xây dựng cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh toàn dân.

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm