Nông dân Tây Ninh đưa mía cháy về nhà máy đường Biên Hòa. Ảnh: TTXVN |
Đặc biệt, có một hộ nông dân ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu có 190 ha mía bị cháy và một hộ ở xã Thành Long, huyện Châu Thành có 120 ha mía bị cháy. Số còn lại có từ vài héc ta đến hàng chục ha/hộ đã bị kẻ xấu đốt cháy.
Phần lớn diện tích mía bị đốt cháy (khoảng 300 ha) là ở địa phận Campuchia, giáp ranh với Việt Nam, được nông dân ở Tây Ninh qua thuê đất để trồng mía hơn 10 năm nay. Số diện tích mía cháy còn lại đều nằm rải rác trong địa bàn tỉnh thuộc các huyện Châu Thành, Tân Biên, Dương Minh Châu.
Theo tính toán của nông dân, lượng mía bị cháy nếu được thu hoạch đưa về nhà máy để chế biến kịp thời (trong vòng 3 ngày trở lại) thì ít bị thiệt hại. Còn sau 3 ngày, trọng lượng mía và chữ đường sẽ giảm đáng kể (chữ đường chỉ còn 2 hoặc 3 CCS), thậm chí nhà máy đường không nhận, do lượng đường trong cây mía đã lên men, thì người trồng mía bị trắng tay.
Tuy các nhà máy đường và chính quyền địa phương chưa tìm ra nguyên nhân, nhưng trong giới trồng mía cho rằng, hàng loạt diện tích mía bị cháy như hiện nay là do người dân địa phương có mâu thuẫn với chủ mía từ trước. Cùng với đó một số chủ cho thuê đất hợp đồng mùa cuối muốn lấy đất lại sớm để trồng sắn kịp thời vụ Đông Xuân, nên cũng lén đốt mía.
Theo ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, tình trạng mía cháy với diện tích lớn mới tái diễn lại từ đầu vụ thu hoạch năm nay. Những năm trước, có vụ số diện tích mía trong tỉnh bị cháy gần 20% (so với tổng diện tích chuẩn bị đưa vào thu hoạch). Sau đó, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp bảo vệ, răn đe. Đồng thời, các nhà máy đường áp dụng nhiều chính sách; trong đó, phạt nặng (trừ 50.000 đồng/tấn đối với trường hợp chủ mía tự đốt để được ưu tiên thu hoạch trước), nên tình hình mía cháy hàng năm đã giảm xuống chỉ còn dưới 5% mỗi năm.
Ông Võ Đức Trong cho biết thêm, trước tình hình mía của nông dân rủi ro bị cháy nhiều như hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các nhà máy đường ưu tiên cho thu hoạch, đưa về nhà máy chế biến kịp thời để giảm bớt thiệt hại cho nông dân; đồng thời có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện tái sản xuất lại mùa sau. Sở cũng chỉ đạo phòng nông nghiệp các huyện phối hợp với địa phương huyện, xã tuyên truyền đề phòng kẻ xấu phá hoại. Nhưng trước hết bản thân chủ mía phải tự bảo vệ tài sản của mình. Khi mía bị cháy người trồng mía cần báo cáo với chính quyền, công an địa phương, để ngành chức năng có cơ sở điều tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Do lượng mía cháy đầu vụ phát sinh nhiều nên Nhà máy đường Biên Hòa - Tây Ninh (công suất 4.000 tấn mía cây/ngày) đã cho hoạt động sớm hơn dự kiến 2 ngày (đưa vào hoạt động 29/11, thay vì 1/12 theo dự kiến) để tiếp nhận lượng mía cháy, đưa vào chế biến kịp thời, nhằm giảm bớt thiệt hại cho nông dân.
Lê Đức Hoảnh