Tây Ninh: Khuyến khích nông dân và doanh nghiệp cùng tham gia vào chuỗi giá sản xuất nông nghiệp

Tây Ninh: Khuyến khích nông dân và doanh nghiệp cùng tham gia vào chuỗi giá sản xuất nông nghiệp
Ông Võ Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Green Vina Tây Ninh (ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) cho biết, Hợp tác xã Green Vina Tây Ninh được thành lập từ cuối năm 2017 đến nay, bước đầu đã thu hút được 20 thành viên và mang lại hiệu quả kinh tế. Các thành viên đều tham gia vào chuỗi giá trị trên các lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng mô hình trang trại, chăn nuôi…. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của hội viên vẫn là nguồn vốn để đầu tư sản xuất; trong khi đó các thủ tục vay ngân hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiện không được xét duyệt giải ngân vốn cao.

Ngoài ra, một số hợp tác xã nông nghiệp còn kiến nghị tỉnh cần có cơ chế phù hợp nhằm liên kết 4 nhà theo đúng nghĩa, nhằm hạn chế nông dân bị các thương lái ép giá, cũng như sử dụng các sản phẩm phân bón hay giống cây trồng kém chất lượng, không mang lại hiệu quả kinh tế.

Giải đáp về vấn đề đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, ông Đinh Hùng Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lavifood cho biết, dự kiến trong tháng 9/2018, nhà máy Tanifood tại Tây Ninh sẽ hoàn tất giai đoạn 1 và bắt đầu đưa dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động, ước tính mỗi ngày nhà máy cần gần 500 tấn nguyên liệu, nên người dân cứ an tâm về đầu ra của các loại sản phẩm nông nghiệp.

Ông Dũng cho rằng, trước mắt, những hộ gia đình có diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ nên tập trung trồng hai loại cây trồng ngắn ngày là dứa (nhu cầu khoảng 600 ha) và thanh long ruột đỏ (nhu cầu khoảng 500 ha), công ty cam kết sẽ ký hợp đồng thu mua 100% sản lượng hai loại nông sản kể trên với giá hợp lý, đảm bảo người dân có lợi nhuận ổn định. Riêng đối với những hộ gia đình hay các hợp tác xã có diện tích đất nông nghiệp lớn thì nên đầu tư trồng các loại cây ăn trái như xoài cát chu, bưởi da xanh, mãng cầu siêm… thì đầu ra sẽ ổn định lâu dài hơn.

Theo đó, công ty sẽ chịu trách nhiệm liên kết với các đơn vị có uy tín cung ứng giống, phân bón … đạt tiêu chuẩn và cử đội ngũ kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân theo hợp đồng, giá cả được hai bên thoả thuận cụ thể theo chất lượng từng loại sản phẩm.

Song song đó, nhằm tháo ghỡ khó khăn về vốn cho nông dân, công ty sẽ liên kết một số ngân hàng có chính sách ưu đãi phát triển về nông nghiệp, với lãi suất thấp để người dân dể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khi có nhu cầu.

Ông Nguyễn Duy Ân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã xác định sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 50% lượng sản phẩm tiêu thụ thông qua hợp đồng; trong đó có khoảng 60% lượng sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic, JGap, có thể truy xuất được nguồn gốc và hướng đến xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
 
Phạm Thanh Tân 

Có thể bạn quan tâm