Trong xu thế hiện nay, khi nhiều loại hình giải trí bùng nổ, các bậc phụ huynh có nhu cầu tìm những sân chơi, điểm sinh hoạt văn hóa, nhất là sân khấu dành cho thiếu nhi nhằm giúp con mình có những trải nghiệm, tiếp thu kiến thức trong lĩnh vực này; đồng thời giúp các em tích lũy và trang bị một đời sống văn hóa phong phú - hành trang không thể thiếu đối với một thế hệ tương lai.
"Thắp lửa” cho sân khấu thiếu nhi
Thành phố Hồ Chí Minh có gần 4 triệu trẻ em nhưng lại chưa có một sân khấu cố định, chuyên biệt nào phục vụ nhu cầu giáo dục, giải trí xứng tầm cho thiếu nhi Thành phố. Thời gian trước, các câu lạc bộ kịch rối một thời đã “làm mưa làm gió” tại các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi 24 quận, huyện, nay cũng dần đóng cửa vì không có kinh phí đầu tư, hoạt động.
Từng là điểm sáng nổi bật trong chuỗi kịch nói dành cho thiếu nhi Thành phố, dù kéo dài được hơn 30 mùa, chuỗi chương trình “Ngày xửa ngày xưa” của sân khấu kịch Idecaf hiện đã ngưng tổ chức biểu diễn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến không ít phụ huynh, học sinh hụt hẫng.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện Sân khấu kịch Idecaf cho biết, Idecaf luôn quan tâm đến các chương trình phục vụ cho thiếu nhi dù lĩnh vực này không hề đơn giản, luôn có vô vàn khó khăn, rủi ro từ kịch bản, cho tới kinh phí duy trì hoạt động. Để giữ chân, hấp dẫn khán giả nhí, các chương trình thường phải ưu tiên đầu tư vào yếu tố sân khấu, khai thác nhiều hiệu ứng lung linh, huyền ảo, bắt mắt... nhằm tạo sự lôi cuốn cho chương trình.
Đồng quan điểm, theo Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân, Giám đốc Sân khấu kịch Phú Nhuận và Chợ Lớn, kịch thiếu nhi là một trong những thể loại rất khó xây dựng bởi các câu chuyện trong đó đòi hỏi phải dí dỏm và hài hước, có tính giáo dục cao. Theo đó, để vở diễn đạt hiệu quả nghệ thuật, mức đầu tư cảnh trí, đạo cụ, âm thanh, phục trang… phải đạt đến độ hoa mỹ, hoành tráng, nhằm thu hút thiếu nhi.
Bên cạnh yếu tố về kịch bản, đạo diễn Hoàng Duẩn, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên có một nhà hát dành riêng cho trẻ em, nơi trình diễn tất cả những loại hình nghệ thuật, được đầu tư dàn dựng chăm chút với nhiều tiết mục hấp dẫn, phù hợp với từng lứa tuổi, hoạt động thường xuyên với một đội ngũ giỏi nghề, am hiểu về trẻ em. Đặc biệt, Thành phố cần chú trọng phát huy nghệ thuật kịch nói, ca múa nhạc, loại hình sân khấu dễ "chạm" đến tâm hồn trẻ thơ, thông qua những bài học giáo dục về đạo đức, cách sống, tình nhân ái, bảo vệ môi trường, phòng chống bạo lực học đường…
Với cố gắng tạo ra các sân khấu phục vụ cho thiếu nhi, cuối tháng 11/2020, Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ ra mắt khán giả chương trình kịch thiếu nhi vào sáng thứ Bảy hằng tuần với nỗ lực mang đến một sân khấu nhiều màu sắc, tăng tính giao lưu, tương tác cho các em nhỏ và gia đình.
Chia sẻ về dự án này, Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ cho biết, với đặc trưng nội dung ngắn gọn chỉ dưới 60 phút, chương trình kịch thiếu nhi vào sáng thứ Bảy sẽ mang đến nhiều tiểu phẩm vui về cổ tích, thế giới muông thú kết hợp những vấn đề về xã hội mà các gia đình đang quan tâm; đồng thời lồng ghép kiến thức giáo dục cho con trẻ. Chương trình được tổ chức với mong muốn góp thêm một điểm diễn sân khấu định kỳ dành cho thiếu nhi vốn đang rất thiếu hiện nay, tạo nơi làm nghề cho đội ngũ nghệ sĩ sân khấu, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ.
Theo đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh đã được xây dựng mới khang trang, rộng rãi. Đây là mô hình có diện tích lớn giúp các em có thể vui chơi, vận động, phát triển tốt, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giáo dục nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ bằng những tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm giải trí lành mạnh có ý nghĩa tốt đẹp.
Đưa mô hình sân khấu vào học đường
Với mong muốn mang đến nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, chương trình giải trí, bổ ích đến với thiếu nhi Thành phố, các đơn vị sân khấu nghệ thuật công lập và xã hội hóa đã đẩy mạnh thực hiện Dự án “Sân khấu học đường” trên địa bàn các trường tiểu học, trung học ở Thành phố. Đây là một trong những chương trình giúp học sinh tiếp cận, hiểu thêm về nghệ thuật dân tộc, tạo dựng một tầng lớp công chúng đến với sân khấu truyền thống; qua đó, đào tạo những tài năng và nguồn diễn viên cho các hoạt động nghệ thuật.
Nhiều năm qua, Sân khấu kịch Idecaf luôn tiên phong đến các trường học để giới thiệu những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc; đồng thời giảng dạy các kiến thức về bộ môn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, dân ca - kịch cho các em học sinh. Trước đó, các nghệ sĩ thuộc Sân khấu kịch Idecaf đã diễn hơn 200 suất các vở kịch lịch sử về Anh hùng Thánh Gióng, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản... tại các trường tiểu học, trung học trên địa bàn Thành phố.
Tương tự, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng là một trong những đơn vị sân khấu tiêu biểu có nhiều đóng góp trong Dự án “Sân khấu học đường” tại Thành phố. Bên cạnh hoạt động về nghệ thuật, Nhà hát đã giúp các thầy cô và học sinh một số trường tại quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn hiểu biết hơn về quá trình hình thành, phát triển đờn ca tài tử; nguồn gốc, đặc thù của sân khấu cải lương...; dạy các làn điệu cải lương tiêu biểu, vũ đạo sân khấu, kỹ thuật biểu diễn. Đồng thời, các nghệ sĩ cũng dàn dựng, tập luyện cho học sinh các trích đoạn: Trần Quốc Toản ra quân, Sự tích bánh chưng - bánh dày, Tấm Cám, Võ Thị Sáu, Tiếng trống Mê Linh…, tạo niềm hứng khởi, đam mê nghệ thuật sân khấu trong thế hệ trẻ.
Anh Nguyễn Quách Bá Minh (một phụ huynh tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần đưa nghệ thuật truyền thống, dân gian vào chương trình giáo dục học đường, trong các giáo trình giảng dạy chính quy về văn hóa, nghệ thuật và có nội dung phù hợp với từng độ tuổi, cấp học. Với thiếu nhi, nhu cầu này là cần thiết để góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp các em hình thành nhân cách.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc đưa sân khấu đến với học đường hứa hẹn tạo thêm hiệu quả thiết thực cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Qua các buổi biểu diễn, các em học sinh sẽ được học về giọng nói, diễn xuất, sáng tạo tình huống của các nhân vật, giúp tăng khả năng tập trung và ghi nhớ một cách dễ dàng hơn. Đối với giáo viên, đây sẽ là cơ hội được tiếp cận và thực hành sân khấu nhằm làm mới cách truyền đạt của mình sau các suất diễn kịch ngoại khóa.
Với gần 50 năm kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, theo đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, muốn làm những chương trình như “Sân khấu học đường” phải xét duyệt kỹ nội dung, hình thức biểu diễn, xem lại loại hình nghệ thuật phù hợp để giới thiệu đến cho trẻ em. Các em đã học, sẽ để các em được cảm thụ, hiểu sâu, sau đó mới yêu thích.
Nhiều văn, nghệ sỹ Thành phố cho rằng, “Sân khấu học đường” còn là nơi phát hiện các tài năng trẻ nhằm đào tạo thành diễn viên chuyên nghiệp, kế cận cho bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà; cần phải giữ "lửa" cho sân khấu học đường vì đây là con đường hữu hiệu, cầu nối giúp học sinh hiểu hơn về các loại hình sân khấu, góp sức lưu truyền những giá trị quý giá của sân khấu và âm nhạc dân tộc./.
Thu Hương