Tạo sức bật mới cho du lịch Tây Ninh

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón hơn 1,8 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn; tổng doanh thu du lịch ước đạt 750 tỷ đồng. Ngành Du lịch Tây Ninh đang củng cố, tạo đà cho những sức bật mới để đạt được mục tiêu 5,5 triệu lượt khách trong năm 2024.

vna_potal_tay_ninh_thu_hut_luong_lon_khach_du_lich_den_nui_ba_den_7008112.jpg
Du khách tham quan trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Giang Phương - TTXVN

Xác định du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, Tây Ninh đã và đang tập trung nhiều giải pháp, nguồn lực để tạo nên sức bật mới cho ngành Du lịch. Địa phương đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Mục tiêu ấy dần trở thành hiện thực khi những kết quả đạt được cho thấy Tây Ninh đang có những hướng đi mới hiệu quả.

Từ những ngày đầu năm 2024, lượng du khách đến Tây Ninh du Xuân tăng mạnh. Chỉ tính riêng tháng 2/2024, trên địa bàn tỉnh diễn ra hàng loạt lễ hội độc đáo thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hội Xuân núi Bà Đen được tổ chức xuyên suốt tháng Giêng thu hút hơn 1 triệu du khách; Đại lễ vía Đức Chí Tôn năm Giáp Thìn 2024 của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh thu hút trên 10.000 người tham dự.

Là một du khách thường xuyên đến Tây Ninh và đi viếng chùa trên núi Bà Đen nhưng chị Nguyễn Mỹ Hạnh (35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) vẫn tỏ ra bất ngờ khi trở lại tham quan lần này. Không gian trang nghiêm như chốn bồng lai giữa một quần thể các công trình tâm linh cổ kính và hiện đại trải dài khắp núi Bà Đen, từng đoàn du khách, tăng ni, phật tử nối nhau đến thành tâm chiêm bái, cầu an khiến du khách có những cảm giác an yên.

Chị Hạnh cho biết, cảnh quan hùng vĩ, đẹp mắt cùng Lễ hội dâng hoa đăng ý nghĩa trên đỉnh núi là những dấu ấn lớn nhất đối với chị. Theo chị, núi Bà Đen là điểm đến đầu tiên trong năm 2024 mà chị chọn. Bởi, đây là ngọn núi linh thiêng, đặc biệt năm mới còn là dịp để cầu bình an, sung túc cho gia đình, người thân. Chị Hạnh chia sẻ, gần đây trở lại Tây Ninh, một ấn tượng khác với chị là hạ tầng giao thông được đầu tư thông thoáng, thuận tiện.

Theo chị Trương Mỹ Tuyết (25 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre), ấn tượng về du lịch Tây Ninh chính là sự hùng vĩ của các công trình tâm linh trải dài khắp núi Bà Đen. Nếu như trước đây, đến Tây Ninh, du khách thường có suy nghĩ chỉ "sáng đi, tối về", bởi không có nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng nay điều này không còn đúng nữa. Chị Tuyết dẫn chứng, với núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, chùa Gò Ken trên 100 năm tuổi..., nếu chỉ dành 1 ngày để khám phá là không đủ. Đó là chưa kể đến các địa điểm ẩm thực khá hấp dẫn của Tây Ninh với những món ăn đặc sản độc đáo.

Những ngày đầu năm, núi Bà Đen trở thành điểm đến du lịch tâm linh độc đáo thu hút bậc nhất vùng Đông Nam Bộ. Bởi, ngọn núi linh thiêng này có một hệ thống chùa, am, động, miếu và các công trình tâm linh, độc đáo. Lợi thế lớn nhất ở đây chính là quần thể chùa Bà gồm 6 ngôi chùa trải dài từ chân lên đến lưng chừng núi Bà Đen. Đặc biệt, quần công thể công trình tâm linh độc đáo trên đỉnh núi Bà Đen vừa mang nét hiện đại, vừa mang nét cổ kính khiến những ai đến chiêm bái cũng ngỡ ngàng.

Ở đây có tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ giữ kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi”; cụm cột kinh khắc Bát Nhã tâm kinh gồm 5 trụ kinh bằng đá hoa cương đen kim sa, điêu khắc 12.000 chữ kinh Tây Tạng được dát vàng; tượng Bồ Tát Di Lặc được ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên lấy cảm hứng từ những ruộng bậc thang ở Tây Bắc.

Trong khi đó, những dịp đặc biệt, cuối tuần, đông đảo phật tử, du khách trong và ngoài nước nô nức tham dự Lễ dâng đăng cầu an trên đỉnh núi Bà Đen. Đây là một trong những nghi thức cầu an ý nghĩa, được tổ chức thường xuyên trên đỉnh núi. Tham dự lễ, hàng ngàn người đã tự tay viết nguyện ước vào các hoa đăng.

Để du lịch Tây Ninh phát triển, tiếp tục tạo ra sức bật mới, ngay từ đầu năm, tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến với trọng tâm là Khu Du lịch Quốc gia núi Bà Đen hiện đang trở thành biểu tượng và trung tâm dẫn dắt, tạo sức hút mới cho ngành Du lịch Tây Ninh, góp phần lan tỏa đến các điểm du lịch lân cận.

Theo bà Trần Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, các khu di tích, điểm tham quan và các cơ sở lưu trú trên địa bàn tiếp tục chỉnh trang cơ sở vật chất và dịch vụ; tăng cường các sản phẩm dịch vụ mới; đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và giữ gìn tài sản cho du khách. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện niêm yết giá công khai, nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ du khách. Thời gian tới, ngành Du lịch Tây Ninh tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch, đặc sản Tây Ninh trên các nền tảng số.

Từ thực tế, mỗi địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ đều có thế mạnh, tiềm năng về sản phẩm du lịch khác nhau. Việc liên kết phát triển du lịch là một bước đi cần thiết để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, xóa bỏ hình thức làm du lịch manh mún, tạo nên những sản phẩm du lịch và dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng, tiêu chuẩn cao, xứng tầm quốc gia, hướng tới nâng tầm quốc tế.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh Bình Phước, Tây Ninh đã triển khai nhiều nội dung phối hợp về phát triển du lịch theo Chương trình phối hợp số 910/CTrHT ngày 31/3/2023 về Phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch giai đoạn 2023-2025. Trong đó, hai tỉnh đẩy mạnh xây dựng các tua, tuyến du lịch Tây Ninh - Bình Phước và Bình Phước - Tây Ninh với chủ đề: “Một cung đường - Hai điểm đến”. Hiệp hội Du lịch hai tỉnh Tây Ninh, Bình Phước phối hợp, hỗ trợ các công ty lữ hành khai thác tuyến du lịch kết nối đưa khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Bình Phước, Tây Ninh và ngược lại.

Đặc biệt, hai tỉnh hỗ trợ đưa các loại hình di sản văn hóa đã được công nhận như Nghệ thuật múa trống Chhay-dăm, Múa mâm vàng, phiên chợ lá (Tây Ninh) và Nghệ thuật trình diễn cồng - chiêng của đồng bào S'tiêng, Nghệ thuật biểu diễn đàn đá (Bình Phước) biểu diễn tại các điểm đến du lịch để thu hút du khách.

Giang Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm