Tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm cây có múi của Hưng Yên

Anh Trần Văn Cần, thôn 1 xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, thu hoạch cam. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Anh Trần Văn Cần, thôn 1 xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, thu hoạch cam. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Sáng 28/10, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên tổ chức hội nghị trực tuyến “Xúc tiến thương mại sản phẩm cây có múi và sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên năm 2021.

Tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm cây có múi của Hưng Yên ảnh 1Anh Trần Văn Cần, thôn 1 xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, thu hoạch cam. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Ngoài điểm cầu Hà Nội và Hưng Yên, hội nghị trực tuyến còn có sự tham gia của 9 điểm cầu khác tại các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, cây ăn quả có múi là một trong những cây ăn quả chủ lực của tỉnh Hưng Yên. Năm 2021, tỉnh có khoảng 4.250 ha cây ăn quả có múi, sản lượng ước đạt khoảng 65.000 tấn. Trong số đó, diện tích trồng cây cam, quýt trên 2.100 ha; bưởi trên 2.000 ha; còn lại là các cây có múi khác.

Hiện, tỉnh có 28 vườn cây có múi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn vườn cây có múi đầu dòng. Mỗi năm, các vườn cho khai thác khoảng 60 vạn mắt ghép phục vụ nhu cầu nhân giống, phát triển trồng mới của nông dân trong và ngoài tỉnh. Đến hết tháng 9/2021, tỉnh đã có 65 vùng sản xuất cây ăn quả có múi với tổng diện tích trên 1.000 ha, sản lượng trên 20.000 tấn quả tươi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện thị trường tiêu thụ quả và sản phẩm cây có múi của Hưng Yên ở trong nước là chính, chiếm từ 98-99% tổng sản lượng sản xuất, xuất khẩu mới chiếm khoảng từ 1-2%. Phần lớn sản phẩm quả Hưng Yên tiêu thụ trong tỉnh Hưng Yên, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, được phân phối qua các chợ truyền thống. Các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị và các cửa hàng trái cây cao cấp mới chỉ phục vụ cho một phần nhỏ người tiêu dùng, tập trung chủ yếu ở Hà Nội.

Đối với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến hết ngày 31/6, tỉnh có 70 sản phẩm của 33 chủ thể được xếp hạng, công nhận. Ước đến hết năm 2021 sẽ có thêm 69 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận trên toàn tỉnh là 139 sản phẩm.

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đánh giá, người tiêu dùng ngày càng yêu thích và lựa chọn các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có bao bì nhãn mác được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn, sản phẩm đặc sản theo mùa vụ thay vì mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm có tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tạo nên sức cạnh tranh rất lớn, góp phần đẩy mạnh sức tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, nút thắt lớn hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, mới chủ yếu tại các chợ truyền thống. Do đó, việc tăng cường kết nối, liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm là vấn đề được địa phương đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, giữa các vùng miền thông qua hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.

Đồng thời, kết nối giữa các nhà cung ứng, vùng nguyên liệu với các doanh nghiệp bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản; quảng bá chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm nông sản tỉnh Hưng Yên, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Điều này nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất củng cố vị thế; nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước; khai thác tiềm năng của thị trường trong nước và góp phần phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện các địa phương quyết tâm rất cao trong tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, tập trung tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương tại thị trường trong nước.

Với tình trạng nhiều địa phương cùng có các sản phẩm cây có múi, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, các địa phương cần có hướng đi không trộn lẫn. Nhãn lồng Hưng Yên là sản phẩm khó có thể trộn lẫn nhưng các sản phẩm như chanh tứ quý, cam đường canh, cam V2… cần có sự đặc sắc trong phân luồng trong hệ thống phân phối.

Với sự chuyển đổi số mạnh mẽ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nên nhanh chóng thiết lập hồ sơ điện tử để đẩy mạnh quảng bá trên kênh thương mại điện tử, để sản phẩm không chỉ được tiêu thụ tại thị trường miền Bắc mà còn có thể tiến vào thị trường miền Nam.

“Cần định danh sản phẩm trên sàn thương mại điện tử nếu không sẽ bị pha loãng”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Riêng đối với hoạt động xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, địa phương trước hết phải đảm bảo yêu cầu về mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt là những thay đổi về nhập khẩu của thị trường Trung Quốc từ đầu năm 2022, địa phương cần chủ động tiếp cận, triển khai và thích ứng, tránh bỡ ngỡ.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, hiện sản phẩm cây có múi không chỉ có ở Hưng Yên mà còn ở các địa phương khác, do đó, có sự cạnh tranh gay gắt. Sản phẩm cây có múi của Hưng Yên có chất lượng, mẫu mã cao, điển hình như cam đường canh. Địa phương cần tiếp tục nâng cấp sản phẩm, hỗ trợ các hợp tác xã bán hàng trên các trang thương mại điện tử và xuất khẩu chính ngạch, giảm áp lực cạnh tranh tại trên kênh phân phối truyền thống.

Riêng đối với các sản phẩm OCOP được đánh giá cao, có đầy đủ giấy tờ để tham gia vào siêu thị. Các chủ thể cũng cần nâng cấp sản phẩm để tham gia thị trường rộng lớn hơn. “Khi đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, nếu có khó khăn gì chủ thể có thể phản ánh lại với hiệp hội, để hiệp hội có thể nắm rõ được nguyên nhân vì sao”, bà Vũ Thị Hậu thông tin.

Theo đại diện siêu thị BigC/GO!, hiện cam lòng vàng Hưng Yên đang được tiêu thụ tại siêu thụ Big C. Sản phẩm cây có múi của Hưng Yên có chất lượng cao, tuy nhiên, giá sản phẩm đang có giá cao hơn so với các sản phẩm cùng loại của địa phương khác nên sẽ khó cạnh tranh. Hiện, sức tiêu thụ của sản phẩm cam lòng vàng khá tốt, từ đầu vụ, đơn vị đã tiêu thụ được 70 tấn. Sức tiêu thụ sẽ tốt hơn đối với sản phẩm vừa có chất lượng vừa có giá cạnh tranh.

Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản và sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên với chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại thị trường Hà Nội về việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm