Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên

Làng nghề đan lát Đại An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) sản xuất nhiều loại sản phẩm như: rổ, thúng, bình hoa, giỏ hoa…, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động, chủ yếu là người Khmer. Ảnh: An Hiếu
Làng nghề đan lát Đại An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) sản xuất nhiều loại sản phẩm như: rổ, thúng, bình hoa, giỏ hoa…, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động, chủ yếu là người Khmer. Ảnh: An Hiếu

Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nhờ sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nguồn lực đầu tư kịp thời từ việc lồng ghép nhiều nguồn vốn, năm 2020, tỉnh Trà Vinh đã triển khai được 49 dự án cho đồng bào Khmer gắn với các mô hình trồng màu, chăn nuôi…

Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên ảnh 1Làng nghề đan lát Đại An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) sản xuất nhiều loại sản phẩm như: rổ, thúng, bình hoa, giỏ hoa…, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động, chủ yếu là người Khmer. Ảnh: An Hiếu

Thoát nghèo từ những mô hình kinh tế hiệu quả

Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ đồng bào Khmer ở ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú, ông Thạch Long, Bí thư Chi bộ ấp Giồng Lớn A cho biết: “Toàn ấp có hơn 3.000 nhân khẩu, trong đó hơn 80% là đồng bào Khmer. Giồng Lớn A từng là ấp nghèo nhất của xã Đại An. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, toàn ấp chỉ còn 8 hộ nghèo. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đến nay ấp đã có hơn 100 ha trồng màu xen canh các loại cây trồng hiệu quả, mang lại thu nhập bình quân 48 triệu đồng/người/năm…”.

Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên ảnh 2“Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh sẽ phối hợp tốt với các sở, ban, ngành trong tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là các vấn đề nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS” - Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh... Ảnh: An Hiếu

Tìm hiểu thêm về các mô hình kinh tế hiệu quả, chúng tôi đến xã Long Hiệp, huyện Trà Cú. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho đồng bào, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Long Hiệp đã xây dựng thành công 30 ha vùng nguyên liệu sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ. Theo ông Trầm Minh Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, được bao tiêu thu mua lúa với giá cao hơn thị trường từ 15 - 30%, 72 hộ thành viên của HTX đều đã thoát nghèo, nhiều hộ thu nhập 50 - 80 triệu đồng/năm.

Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên ảnh 3Bà con Khmer ở xã Hàm Tân, huyện Trà Cú (Trà Vinh) dệt chiếu bằng máy cho năng suất cao gấp nhiều lần so với dệt thủ công. Ảnh: An Hiếu

Bên cạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp, Trà Cú còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống như: làng nghề dệt chiếu Hàm Tân, làng nghề đan lát Đại An, làng nghề đóng giường, bàn ghế tre Hàm Giang… Đến thăm gia đình chị Thạch Thị Tú, anh Quách Á Phong ở ấp Chợ, xã Hàm Tân, chúng tôi được biết nhờ dệt chiếu, gia đình chị Tú, anh Phong đã có thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/tháng và thoát nghèo từ cuối năm 2019...

Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên ảnh 4Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Định An sản xuất chả cá, tạo việc làm cho hàng trăm lao động Khmer trên địa bàn huyện Trà Cú (Trà Vinh). Ảnh: An Hiếu

Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư

Chia tay Trà Cú, chúng tôi đến Cầu Ngang, huyện ven biển của tỉnh Trà Vinh, nơi có khoảng 42.000 đồng bào Khmer sinh sống. Ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Ngang cho biết: Từ nguồn vốn của nhà nước, năm 2020 vừa qua, huyện đã chi 4 tỷ đồng hỗ trợ 205 hộ nghèo, trong đó có 160 hộ là đồng bào Khmer xây dựng 10 mô hình nuôi bò sinh sản, 1 mô hình nuôi gà thịt. Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm 2020, kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đạt 50,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,36%.

Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên ảnh 5Khoai môn - cây trồng góp phần giảm nghèo cho bà con Khmer ở ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú (Trà Vinh). Ảnh: An Hiếu

Chung tay với chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cầu Ngang cũng triển khai nhiều chính sách cho vay ưu đãi đối với các hộ đồng bào Khmer. Theo ông Lai Hữu Thọ, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cầu Ngang, năm 2020, Phòng giao dịch đã cho 1.921 hộ đồng bào Khmer vay vốn với tổng số tiền gần 80 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã trồng đậu, lúa, nuôi bò và thoát nghèo. Điển hình như hộ chị Thạch Thị Thùy Linh ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa; hộ ông Thạch Phuông, ông Thạch Sô-phi ở ấp Bào Sen, xã Mỹ Hòa; hộ ông Kiên Na ở ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn…

Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên ảnh 6Bà con Khmer thu hoạch bí ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Ảnh: An Hiếu

Từ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, chương trình giảm nghèo bền vững ở Trà Vinh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nếu như cuối năm 2019, Trà Vinh có khoảng 5.300 hộ Khmer nghèo thì đến cuối năm 2020 chỉ còn 2.900 hộ, chiếm 3,2% số hộ Khmer và 55,02% số hộ nghèo toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đạt 59,1 triệu đồng/người/ năm (số liệu năm 2019)…

Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên ảnh 7Mô hình trồng bầu ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) giúp bà con Khmer nâng cao thu nhập. Ảnh: An Hiếu
Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên ảnh 8Bà con Khmer thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở Trà Vinh. Ảnh: An Hiếu
Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên ảnh 9Gia đình ông Thạch Con ở ấp Nô Rè, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi bò. Ảnh: An Hiếu
Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên ảnh 10Cán bộ ngành nông nghiệp huyện và Phòng Dân tộc huyện Trà Cú (Trà Vinh) tham quan mô hình lúa chất lượng cao của một xã viên người Khmer ở Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp. Ảnh: An Hiếu

Trà Vinh hiện có hơn 300.000 người Khmer sinh sống, chiếm 31,5% dân số. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Trà Vinh sẽ huy động khoảng 50 tỷ đồng, trong đó dành khoảng 11,6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn.

Thu Hương – An Hiếu

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm