Trà Vinh hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sản xuất

Trà Vinh hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sản xuất

Hàng nghìn hộ nông dân ở vùng mía nguyên liệu thuộc huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vừa được tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí để chuyển đổi đất trồng mía sang sản xuất cây trồng vật nuôi khác.

Trà Vinh hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sản xuất ảnh 1Nông dân huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh thu hoạch mía. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Cụ thể, mỗi hộ nông dân có đất trồng mía khi thực hiện chuyển đổi sẽ được hỗ trợ chi phí một lần với mức tiền 4 triệu đồng/ha cho các loại cây trồng, vật nuôi khác; hỗ trợ 6 triệu đồng/ha khi chuyển đổi sang nuôi thủy sản.

Đối với hộ nông dân chuyển đổi đất trồng mía sang thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, với các loại cây trồng, vật nuôi thủy sản nằm trong danh mục, như: rau, nấm ăn, cây ăn quả, dừa, lúa, lạc, lợn, bò, dê, gà, vịt, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, cá lóc, được hỗ trợ 6 triệu đồng/ha đối với cây trồng, vật nuôi và 10 triệu đồng/ha đối với nuôi thủy sản.Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, chính sách hỗ trợ là nhằm giúp nông dân ở vùng mía nguyên liệu Trà Cú phát triển sản xuất mới, tăng thu nhập khi cây mía đường đã qua nhiều năm không đem lại nguồn lợi kinh tế. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến, tạo ra các sản phẩm sạch, đạt chuẩn VietGap dễ tìm kiếm thị trường tiêu thụ và có giá trị kinh tế cao.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, qua 4 mùa vụ trồng mía liên tiếp nông dân chuyên nghề trồng mía đường ở địa phương đều bị thua lỗ trắng tay vì giá mía giảm thấp. Theo đó, toàn vùng nguyên liệu mía hơn 5.000 ha liên tục bị giảm dần diện tích vì nông dân không tái vụ sản xuất. Cụ thể, niên vụ trồng mía 2020 – 2021 toàn huyện chỉ còn lại diện tích 1.435 ha, chủ yếu là diện tích mía lưu gốc chứ không trồng hom giống mía mới.

Không để nông dân bỏ hoang đất sản xuất, không có thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống, UBND huyện Trà Cú đã yêu cầu các xã xây dựng những mô hình sản xuất phù hợp để vận động và hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất. Hầu hết diện tích đất trồng mía nằm trong vùng nước lợ, chưa có hệ thống thủy lợi khép kín nên chỉ hợp chuyển đổi sang trồng rau màu trong mùa mưa và nuôi thủy sản; trong đó chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi tôm càng xanh, nuôi cá lóc.

Với sự hướng dẫn chặt chẽ về kỹ thuật, nông dân đã chuyển đổi sản xuất thành công hơn 1.150 ha trồng rau màu các loại cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm và hơn 250 ha nuôi tôm thẻ chân trắng cho thu nhập 300 – 400 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, hiện có một vài hộ nông dân đã chuyển đổi đất mía sang trồng dừa kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc tôm càng xanh để lấy ngắn nuôi dài rất thành công, cho thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/ha/năm và đảm bảo được tính bền vững.

Điển hình như ông Dương Văn Còi, ở ấp Xoài Lơ, xã Lưu Nghiệp Anh đã đào ao lên liếp hơn 0,4 ha đất mía để trồng dừa. Mô hình trồng dừa được thiết kế hệ thống cống đóng, mở cấp và thoát nước đảm bảo mực nước trong mương từ 1,2 – 1,5 m để nuôi tôm thẻ chân trắng. Vụ thu hoạch tôm đầu tiên vào đầu tháng 6/2020 vừa qua, ông thu hoạch được hơn 1,5 tấn tôm thương phẩm, bán với giá 110.000 đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Ông Dương Văn Còi cho biết, mô hình sản xuất này đảm bảo hiệu quả 3 năm, do giai đoạn này dừa vẫn chưa phủ tàn lá, ao nuôi tôm vẫn đủ ánh nắng. Đây là mô hình cho thu nhập nhanh trong những năm đầu từ việc nuôi tôm và đảm bảo sự bền vững từ nguồn thu nhập từ cây dừa với mức bình quân thấp nhất 150 – 200 triệu đồng/ha/năm.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm