Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm nông nghiệp Việt

Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm nông nghiệp Việt
Đó là chia sẻ của các đại biểu tham dự Hội nghị Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, do Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 31/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN
Theo bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, hiện có hơn 800 sản phẩm nông - lâm - thủy sản Việt Nam có uy tín nhưng chỉ mới có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và một số ít thương hiệu được tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, vẫn có các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam nhưng phải thông qua thương hiệu nước ngoài. Một số sản phẩm mặc dù đã được Nhà nước bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận thị trường người tiêu dùng cũng như bất lợi lớn trong cạnh tranh.

Bà Hồng Lý cho rằng, một trong nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đúng mức đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến có tình trạng thương hiệu Việt Nam đã bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài. Hậu quả là doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí mới đòi lại được như các vụ thương hiệu lớn về nước mắm, cà phê…
 
Các đại biểu cũng chia sẻ, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thực sự chủ động trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình mặc dù họ cũng có nhận thức về lợi ích của bảo hộ thương hiệu sẽ mang lại kết quả tích cực trong kinh doanh, sản xuất; hạn chế những rủi ro, biến động giá trên thị trường tiêu thụ.
 
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, để việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm nông nghiệp Việt đạt hiệu quả cần thiết phải xây dựng mối liên hệ gắn kết 4 nhà: Nhà nông, doanh nghiệp, khoa học, quản lý.

Trong đó, đề cập đến việc thay đổi nhận thức của người dân là cần thiết và vai trò của chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm tư vấn xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương một cách hiệu quả.

Việc tăng cường liên kết các nhà sẽ góp phần tạo ra mạng lưới phân phối chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả ngay trên “sân nhà” và khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, sẽ tạo sức cạnh tranh cao.
 
Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, góp phần thúc đẩy việc liên kết, tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn.

Các địa phương sau khi được đăng ký sở hữu trí tuệ, hầu hết sản phẩm đều bán được với giá cao hơn từ 1,5 – 2 lần, tiêu thụ ổn định.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu sản xuất thủ công, số lượng ít, chưa chú trọng đến tạo logo, nhãn mác, thương hiệu ảnh hưởng đến quyền lợi và kinh tế của người nông dân./.
Gia Thuận
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm