Một vựa sầu riêng ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy đang đóng thùng để xuất khẩu. Ảnh: nongthonviet.com.vn |
Sau 5 năm thay đổi diện mạo, cơ sở hạ tầng tại Tam Bình ngày càng hoàn thiện đáp ứng mọi mặt đời sống nhân dân, thúc đẩy giao thương. Người dân ấm no, hạnh phúc nhờ phát huy tốt các tiềm năng kinh tế xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao. Năm 2018, Tam Bình vinh dự là xã duy nhất tỉnh Tiền Giang đón nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ về thành tích thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về Tam nông (nông nghiệp – nông dân – nông thôn). Theo ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình, hiện thu nhập bình quân đầu người tăng lên 45 triệu đồng/ người/ năm, gấp đôi so với năm 2014 – thời điểm ra mắt xã nông thôn mới. Tỉ lệ hộ nghèo từ mức 3,69% năm 2014 hiện đã giảm xuống chỉ còn 3,34%. Đóng góp rất lớn vào kết quả trên chính là việc phát huy tiềm năng kinh tế vườn, xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng đặc sản gần 1.400 ha trong tổng diện tích canh tác của xã khoảng 1.600 ha, là xã kinh tế vườn quả đặc sản điển hình của tỉnh Tiền Giang. Trong năm qua, Tam Bình đạt sản lượng trái cây các loại trên 50.000 tấn quả, vượt gần 18% so chỉ tiêu đề ra. Từ một cây trồng ít được chú ý trước đây, bà con đã chú trọng tuyển chọn giống tốt, đầu tư xây dựng vùng chuyên canh, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh, đưa sầu riêng trở thành cây kinh tế hàng đầu không chỉ tỉnh Tiền Giang mà còn trên phạm vi cả nước, tạo nguồn nông sản xuất khẩu xây dựng quê hương. Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiên Giang, với năng suất khoảng 30 tấn/ ha, giá bán từ 50.000 đồng/kg đến 80.000 đồng/kg, có thời điểm vọt lên trên 100.000 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng chuyên canh sau khi trừ chi phí còn lãi ròng đến 1,2 tỷ đồng/ ha. Còn ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình cho biết, nông dân trồng chủ yếu hai giống sầu riêng chất lượng cao, được thị trường xuất khẩu rất ưa chuộng, đầu ra thuận lợi và ổn định. Đó là giống RI 6 và Mong Thong. Bà con chú trọng mật độ trồng phù hợp, sử dụng phổ biến các loại phân bón hữu cơ vi sinh để giúp cây khỏe, sung mãn, tuổi thọ kéo dài và cho trái sai, chất lượng trái tốt. Đặc biệt, với kỹ thuật xử lý cho trái vào mùa nghịch thông qua biện pháp đậy mũ, bơm cạn nước trong hệ thống ao mương (xiết nước) cùng với chế độ chăm sóc phù hợp giúp nông dân khắc phục được tình trạng trúng mùa, dội chợ, mất giá trước đây. Ông Đỗ Thái Hùng, cư ngụ tại ấp Bình Thuận cho biết, gia đình ông canh tác 5.000 m2 sầu riêng (0,5 ha), mỗi năm đạt sản lượng 10 tấn quả. Nhờ áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái mùa nghịch nên năm nào ông cũng có thu hoạch bán giá cao ngất ngưỡng. Năm qua, ông bán giá bình quân 65.000 đồng/kg, thu 650 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng. Còn theo ông Nguyễn Văn Thắm, cư ngụ tại ấp Bình Hòa A, nông dân ngày nay phải đoạn tuyệt với tập quán canh tác cổ truyền, biết nhạy bén áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến trong thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng đồng thời nâng chất lượng nông sản hàng hóa hướng tới xuất khẩu. Với 5.500 m2 (0,55 ha), mỗi năm ông Nguyễn Văn Thắm thu được 18 tấn quả, tương đương đạt năng suất khoảng 30 tấn/ ha. Ông bán giá 60.000 – 65.000 đồng/kg, thu gần 1,1 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 800 triệu đồng mỗi năm. Nhờ sầu riêng, gia đình đã xây dựng nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, cuộc sống sung túc… Bài học về xây dựng vùng chuyên canh cây trồng đặc sản từ Tam Bình nhân rộng, được nông dân các huyện đầu nguồn thường bị ảnh hưởng lũ lụt sông Cửu Long học tập, áp dụng. Diện tích cây sầu riêng trong khu vực do vậy liên tục phát triển. Theo ông Cao Văn Hóa, diện tích sầu riêng chuyên canh toàn tỉnh đã vượt quá con số 9.000 ha, tập trung tại hai địa phương trọng điểm là: huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Kinh tế phát triển, bà con có điều kiện góp phần cùng nhà nước tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới kênh mương nội đồng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho vườn cây ăn quả và đất canh tác, trồng trọt; kiện toàn giao thông nông thôn phục vụ việc đi lai, giao thương cũng như tiêu thụ nông sản hàng hóa địa phương. Trong năm qua, nhân dân Tam Bình góp gần 2.000 ngày công nạo vét 31 tuyến kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất có tổng chiều dài gần 29.000 m với khối lượng đất đào đắp gần 3.000 m3. Ngoài ra, bà con còn đầu tư gần 900 triệu đồng xây dựng, sửa chữa và nâng cấp 17 tuyến đường nông thôn chưa kể phong trào hiến quỹ đất để phát triển giao thông, kiến thiết hạ tầng tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Thắm, ấp Bình Hòa A hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, hiến 100 m2 đất lảm đường nông thôn. Ngoài ra, ông còn vận động khoảng 100 hộ dân trong ấp hiến người nhiều từ 400 đến 500 m2, hộ ít từ 50 m2 đến 70 m2 để thi công 4 tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài trên 3.500 m. Tương tự, ông Đỗ Thái Hùng, ấp Bình Thuận hiến gần 100 m2 đất, ông Trần Văn Tư hiến gần 1.000 m2 đất phát triển giao thông nông thôn... Theo ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình nhận định, nhờ vậy, mạng lưới giao thông – thủy lợi nội đồng trên địa bàn xã nông thôn mới ngày càng hoàn thiện không chỉ phục vụ sản xuất mà còn thiết thực góp phần giúp nông dân tiêu thụ nông sản dễ dàng, bán được giá cao; đổi mới diện mạo nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Để đưa tiềm năng kinh tế vườn chuyên canh tiếp tục phát triển bền vững, Tam Bình đang có kế hoạch nâng cấp Tổ hợp tác sầu riêng ấp Bình Hòa B lên Hợp tác xã, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo tiêu chí GlobalGAP, VietGAP đồng thời liên kết giải quyết đầu ra cho nông sản theo chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình kỳ vọng, với định hướng đúng nhằm nâng khả năng cạnh tranh của trái sầu riêng Tam Bình trên thị trường trong nước và xuất khẩu, vùng chuyên canh sầu riêng tại địa phương tiếp tục đóng góp đắc lực vào việc nâng chất xã nông thôn mới, đưa nông thôn Tam Bình trở thành điểm sáng về kinh tế - văn hóa – xã hội nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn 2025.
Minh Trí