Tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà

Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN
Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN

Ngày 31/10, trong khuôn khổ Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất; Hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức Toạ đàm Khuyến nông với chủ đề "Giải pháp bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà".

Tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà ảnh 1Đại diện các ngành, đơn vị chuyên môn dự tọa đàm. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN

Tại buổi Tọa đàm, Nguyên Giám đốc Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu cùng đại diện các ngành, đơn vị chuyên môn đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc của nông dân, người sản xuất, nuôi trồng thủy sản tại các địa phương về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản; rác thải, môi trường ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân vùng hồ; nguồn giống tốt để nuôi trồng thủy sản hiệu quả; xử lý các hành vi khai thác tận diệt nguồn thủy sản; hỗ trợ các xã vùng hồ sông Đà trong nuôi trồng thủy sản; sinh kế của người dân vùng hồ...

Ông Xa Văn Huy, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất kinh doanh Nông lâm nghiệp xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) chia sẻ: Thông qua Tọa đàm, giúp người dân xây dựng, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao nhận thức, kiến thức về việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, tránh tình trạng đánh bắt tận diệt bằng chất độc, chất nổ, xung điện, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sinh sống tại vùng hồ. Đồng thời, từng bước tái tạo các loài thủy sản có nguy cơ bị đe dọa hoặc tuyệt chủng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết, tỉnh Hòa Bình có 308 hồ chứa loại lớn, vừa và nhỏ tạo thành các thủy vực lớn giúp hệ sinh thái thủy sinh trở nên phong phú, đa dạng. Đặc biệt, hồ thủy điện Hòa Bình có diện tích mặt nước 8.890 ha thuộc 5 huyện, thành phố với 19 xã ven hồ. Nguồn lợi thủy sản phong phú về giống, loài và được coi là kho tàng quý báu về các loài thủy sinh vật của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, những năm qua, hoạt động của con người đã vô tình làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Một số người dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản. Do sức ép của việc tăng dân số, số lượng người, phương tiện, ngư cụ tham gia khai thác thủy sản ngày càng tăng. Việc đô thị hóa vùng ven sông, hồ với tốc độ nhanh khiến chất lượng nguồn nước bị suy giảm...

Tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà ảnh 2Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN

Chương trình Tọa đàm tập trung trao đổi giữa người nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển nuôi trồng, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Tại tọa đàm, các đại biểu cũng chia sẻ về các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật mới về nuôi trồng thuỷ sản; giới thiệu những điển hình tiên tiến trong nuôi trồng, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kinh nghiệm và giải pháp của một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, quy trình kỹ thuật, mô hình phục vụ phát triển sản xuất nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản theo hướng OCOP...

Vũ Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm