Tái định cư các dự án thủy điện: Bài II-Giải pháp "an cư lạc nghiệp" cải thiện sinh kế cộng đồng

Tái định cư các dự án thủy điện: Bài II-Giải pháp "an cư lạc nghiệp" cải thiện sinh kế cộng đồng

* Giải pháp về chính sách 

Theo kết quả điều tra xã hội học của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tại các khu tái định cư công trình thủy điện trên địa bàn, có 99,5% người dân được hỏi cho rằng đất sản xuất nơi tái định cư hiện nay ít hơn; 92,3% đánh giá chất lượng đất xấu hơn nơi ở cũ; 98,5% cho rằng đất sản xuất không đáp ứng được nhu cầu sản xuất; 93,4% người dân thiếu lương thực vào mùa giáp hạt. Khi hỏi về việc đánh giá đời sống hiện tại, có đến 43,9% người dân thừa nhận thiếu ổn định, 42,9% tạm ổn định và chỉ có 12,2% là thực sự ổn định. 

Kết quả điều tra xã hội học với những con số nêu trên cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác tái định cư cho các dự án thủy điện, cần phân cấp mạnh và trao quyền cho các cấp cơ sở, nhất là cấp huyện, xã gắn với việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quy hoạch, cán bộ trực tiếp làm công tác di dân, tái định cư vốn còn rất thiếu kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn. Bộ máy quản lý dự án di dân, tái định cư thủy điện phải đề cao trách nhiệm, gắn bó, sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện ở cơ sở, đảm bảo tiến độ di dân, tái định cư vận hành theo hướng đồng bộ, thống nhất. 

Xây dựng cầu treo vào khu tái định cư ở Tumơrông (Kon Tum). Ảnh: TTXVN
Xây dựng cầu treo vào khu tái định cư ở Tumơrông (Kon Tum). Ảnh: TTXVN

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Nguyệt, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: Trong qua trình lập kế hoạch di dân, tái định cư nên khuyến khích các hình thức di dân không tập trung theo phương thức xen ghép, tự nguyện nhằm hạn chế sức ép về đất đai. Đồng thời góp phần nâng cao khả năng tự điều chỉnh phục hồi nhanh cuộc sống của các hộ dân sau tái định cư, vừa hạn chế những xung đột về văn hóa và phong tục tập quán giữa các cộng đồng. Phương thức Nhà nước hỗ trợ vận chuyển, san ủi nền, nhân dân tự tháo rỡ nhà cũ, lắp dựng lại nơi ở mới theo sở thích nguyện vọng là một cách làm phù hợp, nhanh chóng đảm bảo cuộc sống ổn định cho cộng đồng dân cư đến định cư và cộng đồng dân sở tại trên các mặt sinh kế, nhà ở, an ninh lương thực, việc làm, phát triển sản xuất, giao thông, tránh được những rủi ro di dân, tái định cư gây nên. 

Đặc biệt, cần chú trọng giải quyết các vấn đề cốt yếu về nước sinh hoạt, đất ở và canh tác. Vì đây là 2 yếu tố mang tính quyết định đến việc ổn định cuộc sống cho người dân trước mắt và lâu dài. Cũng nên có quy định hình thành quỹ phục hồi thu nhập sau tái định cư để hỗ trợ lâu dài cho người dân từ 10-20 năm. Nguồn vốn này tính vào ngân sách dự án, chủ đầu tư sẽ trích lợi nhuận hoặc thuế tài nguyên sau khi đưa công trình vào hoạt động. Các chủ đầu tư cần phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện tái định canh, định cư nhằm nhanh chóng khắc phục những vướng mắc, tồn tại sau khi thực hiện. Gắn trách nhiệm lâu dài của các chủ đầu tư với đời sống nhân dân trong vùng dự án. Tăng cường công tác dân vận để tạo sự đồng thuận của đồng bào dân tộc đối với chủ trương tái định cư. Vì mỗi cộng đồng dân tộc có những thói quen, lối sống, tập tục canh tác khác nhau. Thậm chí ngay trong một cộng đồng, khả năng nhận thức và tác động của tái định cư cũng khác nhau giữa các tầng lớp, thế hệ. Bởi vậy, chính sách tái định cư không thể đồng nhất trong một tổng thể, mà phải có các chính sách hết sức cụ thể cho từng đối tượng. 

* Cải thiện sinh kế 

Một vấn đề nổi cộm trong việc di dân, tái định cư trong những năm qua, đó là không ít hộ dân quay trở về nơi ở cũ để canh tác, khi nơi này chưa bị ngập nước, một số người thì tự ý bỏ địa bàn đi làm thuê ở những vùng, miền khác gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư. Nguyên nhân là do công tác hỗ trợ sản xuất và khuyến nông-khuyến lâm chưa kịp thời, nội dung và hình thức không phù hợp với trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc. Đơn cử như Thủy điện An Khê-Ka Nak (Gia Lai-Bình Định) được khởi công năm 2005. Theo quy hoạch, có 496 hộ dân với gần 2.400 khẩu phải chuyển khỏi vùng ngập lòng hồ, họ được bố trí tại 5 khu tái định cư. Nhưng cho đến nay, vẫn còn 93 hộ dân làng Groi của huyện K’ Bang vẫn chưa được cấp đất sản xuất. 

Do đó, trước khi thực hiện tái định cư, công tác khảo sát, mở rộng diện tích đất sản xuất cấp cho nhân dân phải được tiến hành trước, vừa tránh được tình trạng phá rừng làm nương rẫy sau này. Đồng thời đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ con giống, cây giống và hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất nông lâm nghiệp để ổn định đời sống. Giao cho các địa phương trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này và chỉ được khởi công dự án khi đã hoàn thành công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng. 

Người dân tái định cư cũng phải năng động hơn và có động lực trong việc tìm và huy động các giải pháp, nhằm phát triển sinh kế cho chính bản thân họ. Đội ngũ cán bộ thực hiện dự án phải trực tiếp thảo luận với những người tái định cư về những gì họ có thể làm tại nơi ở mới để có thu nhập; loại cây trồng gì, nuôi con gì và dịch vụ khuyến nông cần thiết nào mà có thể cần tới để giúp họ “an cư lạc nghiệp”. Mặt khác họ cũng được hỗ trợ thêm trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đền bù tái sản xuất, chăn nuôi, phát triển dịch vụ, kinh doanh phù hợp. Như vậy, giải pháp hữu hiệu là thành lập một quỹ phục hồi sinh kế cho người dân tại mỗi điểm tái định cư, do một tổ chức của cộng đồng có đủ năng lực và uy tín quản lý. Tổ chức này sẽ cùng người dân bàn bạc, lập kế hoạch khôi phục sinh kế để sử dụng tiền đền bù một cách thiết thực và hiệu quả nhất cho người dân địa phương. Số tiền được quản lý chung dưới dạng một quỹ phát triển và cộng đồng cùng quyết định sử dụng, để tạo ra các nguồn sinh kế thay thế nguồn sinh kế đã mất do việc tái định cư gây ra. 

Về lâu dài, để giảm thiểu hệ lụy về đời sống của người dân và sự tác động đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường, nên sớm tiến hành nhiên cứu điều tra quy hoạch tổng thể các công trình điện, thủy điện trên địa bàn các tỉnh trên cơ sở có sự tham gia đánh giá, phản biện của các nhà khoa học chuyên ngành. Qua đó hạn chế việc tối đa ảnh hưởng đến các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khi làm thủy điện. Có biện pháp chế tài, bắt buộc các chủ đầu tư phải trồng bù lại diện tích rừng bị mất khi xây dựng công trình thủy điện. 

Ngoài ra, các chủ đầu tư thủy điện phải có trách nhiệm và chia sẻ lợi ích, hỗ trợ đời sống của đồng bào nằm trong khu vực ảnh hưởng của dự án, nhằm đảm bảo một phần kinh phí trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Kiên quyết loại bỏ những công trình có hiệu quả kinh tế thấp, tác động xấu đến môi trường nhiều, nhất là các thủy điện có quy mô nhỏ. Việc quy hoạch thủy điện phải được xem xét thấu đáo, lồng ghép phù hợp với các quy hoạch kinh tế-xã hội của địa phương nhằm tránh mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình khai thác, vận hành, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền núi hiện nay./. 

 

Có thể bạn quan tâm