Đắk Lắk là một trong những tỉnh có dân số trẻ đang đối diện với những thách thức không nhỏ trong công tác giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số. Với các giải pháp đồng bộ, địa phương đang từng bước biến thách thức thành cơ hội, tạo đà phát triển bền vững.
Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, lực lượng lao động tại địa phương có khoảng 1,2 triệu người; trong đó thanh niên có trên 470.000 người (chiếm khoảng 38%). Đây là nguồn lực lao động dồi dào, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại là tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn còn cao. Thanh niên dân tộc thiểu số tại các huyện vùng sâu, vùng xa thường thiếu kỹ năng nghề nghiệp và gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về thị trường lao động. Nhiều lao động trẻ vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp truyền thống, trong khi đất canh tác ngày càng bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, trình độ học vấn và chuyên môn của một bộ phận thanh niên còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện nay. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề và mở rộng cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ tại địa phương.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách đối với thanh niên trong giai đoạn hiện nay, địa phương đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên... Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.
Để làm tốt những việc này, tỉnh đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Địa phương khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở để nâng cao hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm, đảm bảo lợi ích chặt chẽ của cả 3 bên (doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học).
Tỉnh ưu tiên hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn để chuyển đổi nghề nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo... Trong năm 2024, đã có khoảng 44.800 người được đào tạo nghề, đạt 102,5% kế hoạch năm. Nhiều phiên giao dịch việc làm đã được tổ chức tại các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh, thu hút sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp. Những phiên giao dịch này không chỉ là cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động mà còn cung cấp thông tin về xu hướng thị trường, giúp thanh niên định hướng rõ hơn về nghề nghiệp tương lai.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, nhờ những nỗ lực đồng bộ, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên Đắk Lắk đã giảm đáng kể. Năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 30.350 lao động; trong đó lao động trong độ tuổi thanh niên chiếm 85% (bằng 100,5% so với kế hoạch năm); lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 1.700 người.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Đắk Lắk cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục nghề nghiệp và đổi mới chương trình đào tạo, đặc biệt là các ngành nghề đáp ứng xu hướng công nghệ hóa và hiện đại hóa. Tỉnh cần tập trung thống nhất các mục tiêu, quan điểm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành, lĩnh vực như du lịch sinh thái, ẩm thực, sản xuất nông nghiệp...
Nguyên Dung